Với khối lượng xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 1-2016, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để “tạm” trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Cụ thể, VFA dẫn một nguồn tin thống kê đáng tin cậy của nước ngoài cho biết thương mại gạo toàn cầu tính đến ngày 26-1-2016 đạt hơn 3,1 triệu tấn, tăng 18,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, cùng khoảng thời gian này, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 59,75% so với cùng kỳ năm ngoái; của Ấn Độ đạt 598.000 tấn, giảm 13,96%; của Pakistan đạt 552.000 tấn, tăng 11,52% và của Mỹ đạt 193.000 tấn, giảm 46,36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo về cung cầu ngũ cốc tháng 1-2016 của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy tình hình sản xuất, sử dụng và thương mại gạo thế giới có chiều hướng có lợi hơn cho các quốc gia xuất khẩu.
Cụ thể, FAO dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2015-2016 đạt 491,8 triệu tấn, giảm nhẹ so với 494,3 triệu tấn năm 2014-2015 do sản lượng gạo dọc khu vực xích đạo giảm vì thiếu nước tưới làm thu hẹp diện tích gieo cấy tại Australia và Indonesia.
FAO cũng ước tính sử dụng gạo toàn cầu năm 2015-2016 đạt 498,4 triệu tấn, tăng 1,1% so với con số 492,8 triệu tấn năm 2014-2015. Trong khi đó, lượng gạo lưu kho toàn cầu năm 2016 đạt 166,6 triệu tấn, giảm 3% so với 172,1 triệu tấn năm 2015.
Chính từ những yếu tố nêu trên, FAO dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2016 đạt 45,4 triệu tấn, tăng 1,4% so với con số 44,8 triệu tấn năm 2015.
Về diễn biến thị trường trong nước, dù đã bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng thị trường lúa gạo vẫn duy trì được mức ổn định so với trước đó.
Cụ thể, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện có giá 4.500-4.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 6.500-6.600 đồng/kg.
Trong khi đó, giá chào xuất khẩu gạo cũng ổn định ở mức 350-360 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm; 340-350 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm và gạo thơm Jasmine là 425-435 đô la Mỹ/tấn.
Theo TBKTSG