Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) ngày 28-1 công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam xếp thứ 112/168 nền kinh tế, với điểm số 31/100 không đổi từ năm 2012 đến nay.
Không cảm nhận được sự cải thiện
Trước đó, năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119/176 quốc gia nằm trong danh sách điều tra về cảm nhận tham nhũng của TI. Như thế, nếu xét trên thứ hạng, năm 2015, Việt Nam đã tăng được 7 bậc, từ thứ 119 lên thứ 112. Tuy vậy, về bản chất, việc thăng hạng như trên gần như là vô nghĩa bởi tình trạng tham nhũng của Việt Nam vẫn chưa hề được cải thiện trong cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia nghiên cứu.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Phó Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng số lượng quốc gia trong mỗi năm xếp hạng có sự thay đổi nên không thể nhìn vào thứ hạng để đánh giá mức độ cải cách của Việt Nam. Theo đó, nếu như năm 2014 có tới 176 quốc gia trong bảng xếp hạng thì tới năm 2015 chỉ còn 168 quốc gia, tức là có thể một số nền kinh tế vốn có mức độ xếp hạng cao hơn đã rút ra khỏi danh sách, đẩy vị trí của Việt Nam lên cao.
Thêm nữa, từ năm 2012, điểm số của Việt Nam luôn “giẫm chân tại chỗ” ở mức 31/100 mà không hề có bước tiến nào. “2012 cũng là năm TI có cải cách về cách đánh giá, xếp hạng. Họ không chỉ dựa trên cảm nhận và xếp thứ tự các quốc gia theo cách cảm tính mà bắt đầu dựa vào điểm số. Từ khi bắt đầu được chấm điểm đến nay, Việt Nam không hề tiến bộ. Khi điểm số không thay đổi thì thứ hạng không phản ánh được sự cải thiện của chỉ số này” - bà Thảo phân tích.
Cũng theo bà Thảo, Việt Nam có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016 là bước đột phá bởi đề ra những yêu cầu hết sức cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Tuy vậy, nhiều chính sách đến cuối năm 2015 hoặc sang năm 2016 mới có hiệu lực nên DN chưa thể có cảm nhận tốt về sự thay đổi.
“Điều này tương đồng với những gì mà TI chỉ ra bởi kết quả các cuộc đánh giá bao giờ cũng có độ trễ. TI đưa ra kết quả đánh giá một phần dựa trên những dữ liệu tự thu thập được, một phần tham khảo của các địa chỉ uy tín như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Vietnam Business Forum (VBF) hay Diễn đàn Kinh tế thế giới - World Economic Forum (WEF). Trong khi đó, VBF kết thúc vào tháng 5-2015 còn WEF công bố vào tháng 9-2015. Tức là các kết quả họ đưa ra phải được điều tra ở giai đoạn trước đó. Khi đó, sự thay đổi về thủ tục hành chính nhằm làm giảm cơ hội phát sinh tham nhũng chưa thực sự có kết quả và cộng đồng cũng chưa cảm nhận rõ rệt. Đó là lý do điểm số chưa có thay đổi so với năm 2012” - bà Thảo giải thích thêm.
Còn nhiều điểm tối
TI đã chia thành từng nhóm trong số các quốc gia được xếp hạng. Theo đó, có 20% quốc gia kém nhất về phòng chống tham nhũng, 20% kém vừa, 20% khá, 20% tốt và 20% rất tốt. Việt Nam nằm trong nhóm thứ 2 từ trên xuống. Một trong những lý do khiến tình trạng tham nhũng của Việt Nam không được cải thiện đó là do những hạn chế về chính sách làm phát sinh hiện tượng “chạy chọt”, “xin xỏ”.
“Thủ tục hành chính chỉ là một phần nguyên nhân gây ra tham nhũng mà tham nhũng còn rộng hơn nữa. Nó nằm trong chính sách. Không có một nghiên cứu nào chỉ ra cụ thể nhưng đâu đó trong các dự án, các chương trình được thực hiện có sự vận động ngầm đằng sau hay còn gọi là “chạy dự án”, “chạy chương trình”... Những việc này rất khó nhìn ra và dù có cải cách tốt về thủ tục hành chính như chúng ta đã làm thì vẫn không tránh được” - bà Nguyễn Minh Thảo chỉ rõ. Do đó, cần có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý tham nhũng cũng như khuyến khích phát hiện, tố giác tham nhũng.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, mặc dù thế giới đã ghi nhận Việt Nam có cải tiến ở một số luật, đặc biệt là có các giải pháp xử lý mạnh mẽ hơn trong vấn đề tham nhũng nhưng chưa đạt được dấu ấn cụ thể, nhất là về phần điểm số. Theo ông, cần phải tìm hiểu các tiêu chí do thế giới đánh giá để dựa vào đó soi chiếu lại tình hình thực tế trong nước và đề ra cách cải thiện. “Riêng với doanh nghiệp, cho đến nay, họ không có bất cứ cảm nhận gì về sự tiến bộ. Thuế và phí đã ăn mất 40% lợi nhuận rồi mà doanh nghiệp còn phải gánh chi phí ngoài pháp luật nữa. Đó chính là vì tham nhũng chưa được cải thiện” - TS Doanh chỉ ra.
“Chưa phản ánh toàn diện”
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, cho rằng các tổ chức quốc tế nghiên cứu về tình hình tham nhũng tại Việt Nam đưa ra các tiêu chí đánh giá rất khác với cách đánh giá của Việt Nam. “Kết quả xếp hạng của TI đưa ra phải xét đến việc họ lựa chọn tiêu chí như thế nào, cách đánh giá ra sao chứ nó không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam. Do đó, Thanh tra Chính phủ sẽ ghi nhận để tham khảo là chính” - ông Đạt nêu quan điểm.
Ông Đạt nhấn mạnh thêm: “Khách quan mà nói, trong vài năm trở lại đây, công tác phòng và chống tham nhũng của Việt Nam có những bước tiến mới, giải pháp đột phá mang lại nhiều hiệu quả song các tổ chức nước ngoài không ghi nhận. Ngành thanh tra đang có những lỗ lực để đẩy lùi tham nhũng tại Việt Nam”.