Thaco Industries xây dựng mô hình ‘one-stop’ trong cơ khí và công nghiệp hỗ trợ

Mô hình one-stop giúp Thaco Industries phát triển chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển, gia công chế tạo, lắp đặt đến chuyển giao vận hành và bảo trì.

Thaco Industries xây dựng mô hình ‘one-stop’ trong cơ khí và công nghiệp hỗ trợ
Thaco Industries xây dựng mô hình ‘one-stop’ trong cơ khí và công nghiệp hỗ trợ

Hiện nay, Việt Nam có hơn 7.000 doanh nghiệp cơ khí và 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn, công nghệ, trình độ nhân sự nên hầu hết doanh nghiệp chỉ sản xuất, gia công một vài công đoạn hoặc cung cấp một dịch vụ. Để có sản phẩm hoàn thiện, khách hàng phải kết nối với nhiều đối tác khác nhau, khiến chuỗi cung ứng phức tạp, hoạt động kém hiệu quả và tốn nhiều thời gian, chi phí.

Để khắc phục hạn chế đó, Tập đoàn Thaco Industries (tập đoàn thành viên thuộc Thaco) đã thực hiện chiến lược phát triển sản xuất cơ khí và CNHT với quy mô lớn, đầu tư đồng bộ, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ thông qua mô hình one-stop, đồng thời đóng vai trò đầu chuỗi, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn.

Đầu tư đồng bộ để xây dựng chuỗi sản xuất thống nhất

Gần 20 năm phát triển công nghiệp sản xuất cơ khí và CNHT, Thaco Industries có thế mạnh về hệ thống dây chuyền công nghệ, quy trình sản xuất khép kín, đạt chuẩn quốc tế; đồng thời có nguồn lực lớn để đầu tư mở rộng quy mô, phát triển đa dạng sản phẩm theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.

Đây được xác định là nền tảng để doanh nghiệp xây dựng mô hình One-stop - cung cấp các giải pháp đồng bộ và trọn gói về R&D, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, sản phẩm cơ khí, CNHT và gia công sản phẩm với quy mô lớn phục vụ đa dạng lĩnh vực: ôtô, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, xây dựng, dân dụng... đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Mô hình này được ví như một "khu chợ ẩm thực" – với đầy đủ các món, có thể đáp ứng các nhu cầu đa dạng, riêng biệt của khách hàng.

Day-chuyen-san-xuat-thiet-bi-1.jpeg
Dây chuyền sản xuất tự động thiết bị chuyên dụng trong nhà máy của Thaco. Ảnh: Thaco

Theo ông Đỗ Minh Tâm – Tổng Giám đốc Thaco Industries, cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhu cầu về mô hình theo kiểu "chìa khóa trao tay" đang được các nhà mua hàng hướng tới. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tập đoàn này sẽ phát triển chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển sản phẩm - gia công và chế tạo - lắp đặt đến chuyển giao vận hành và bảo trì. "Thời gian gần đây, chúng tôi liên tục nhận các đơn hàng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó nhiều đối tác đặt hàng sản xuất theo "combo" bao gồm cả khuôn, ép nhựa, linh kiện cơ khí, sơn, lắp ráp hoàn thiện và đóng gói thay vì phải đặt 4, 5 nhà cung cấp khác nhau như trước đây", ông Tâm chia sẻ.

Doanh nghiệp này đánh giá ba yếu tố khách hàng quan tâm nhất là chất lượng, giá và thời gian giao hàng. Để mô hình one-stop mang lại hiệu quả tối ưu, Thaco Industries cho biết sẽ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp các dây chuyền xử lý bề mặt, dây chuyền sản xuất và gia công khuôn có kích thước lớn cùng các thiết bị sản xuất và gia công cơ khí tiên tiến. Đồng thời, đơn vị cũng cập nhật các phần mềm thiết kế, mô phỏng cho hoạt động R&D, thử nghiệm vật liệu và đẩy nhanh lộ trình số hóa công tác quản trị, giám sát toàn bộ quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng chặt chẽ trên từng công đoạn.

Ông Đỗ Minh Tâm cho biết, trong tháng 12/2022, doanh nghiệp sẽ khánh thành Trung tâm Cơ khí tại KCN Thaco Chu Lai, Quảng Nam. Đây là trung tâm cơ khí có quy mô hàng đầu Việt Nam, cung cấp vật tư, nguyên vật liệu gồm phôi thép, kim loại màu, các loại khuôn mẫu; cung ứng dịch vụ gia công cơ khí và xử lý bề mặt; sản xuất sơ mi rơ moóc, cấu kiện nặng và thiết bị chuyên dụng phục vụ đa lĩnh vực.

KCN-Co-khi-CNHT-cua-THACO.jpeg
Khu công nghiệp hỗ trợ của Thaco tại Chu Lai. Ảnh: Thaco

Song song đó, tập đoàn khởi công xây dựng Trung tâm R&D với hệ thống trang thiết bị, phần mềm hiện đại cùng hơn 1.000 chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm. Trung tâm sẽ có chức năng nghiên cứu phát triển sản phẩm đáp ứng xu thế thị trường và nhu cầu riêng biệt của khách hàng, đồng thời thí nghiệm vật liệu, thử nghiệm và kiểm nghiệm sản phẩm. Hai trung tâm này được đưa vào hoạt động sẽ là "đòn bẩy" giúp Thaco Industries gia tăng lợi thế cạnh tranh, phát huy hiệu quả chuỗi dịch vụ của mô hình. Với sự đầu tư đồng bộ, lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng đơn vị trở thành mắt xích chủ chốt trong tiến trình thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí và CNHT tại Quảng Nam - miền Trung và trên cả nước.

Tăng cường liên kết hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng

Thông qua mô hình one-stop, Thaco Industries tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia vào chuỗi sản xuất, thông qua 5 hình thức. Các hình thức này gồm: các doanh nghiệp sản xuất, gia công sản phẩm cho Thaco Industries; doanh nghiệp thực hiện R&D, Thaco Industries giữ vai trò sản xuất, gia công toàn bộ hoặc một phần sản phẩm; các doanh nghiệp có thị trường kinh doanh, Thaco Industries sẽ đảm nhận R&D, sản xuất, gia công, cung ứng sản phẩm; Thaco Industries và doanh nghiệp hợp tác cùng đầu tư xây dựng nhà máy; cuối cùng là hỗ trợ tư vấn, nâng cấp quản trị, đào tạo nhân sự, áp dụng các công cụ quản trị và cung cấp các giải pháp công nghiệp về cơ giới hóa, tự động hóa và cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp.

May-phay-giuong-5-truc.jpeg
Máy phay giường 5 trục. Ảnh: Thaco

Tập đoàn này cho biết sẽ triển khai đầu tư các khu công nghiệp chuyên cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ở một số địa phương khác nhằm bổ sung những mảnh ghép cho nền sản xuất công nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Ngày 26/11, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, Thaco Industries và UBND tỉnh Bình Dương đã ký biên bản ghi nhớ về xây dựng Khu công nghiệp Cơ khí và CNHT với quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Tổng giá trị đầu tư các nhà máy, khu công nghiệp của đơn vị trong thời gian tới là 1,5 tỷ USD.

"Chúng tôi kỳ vọng one-stop là mô hình phù hợp với xu thế mua hàng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất cơ khí và CNHT, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia vào chuỗi sản xuất, tạo nên mạng lưới liên kết ngành - liên kết vùng", ông Đỗ Minh Tâm chia sẻ.