Có nhất thiết phải xếp một cá nhân A nào đó hoặc thuộc nhóm có giới tính Nam hoặc thuộc nhóm giới tính Nữ hay không? Ở thời Trung cổ, câu trả lời chắc chắn là có. Còn ngày nay ai nấy đều biết còn có thể xếp A hoặc vào nhóm Les hoặc nhóm Gay hoặc nhóm bi-sexual hoặc nhóm trans-gender, và dù thuộc về nhóm nào A vẫn được tôn trọng như một cá nhân bình thường. Trong mỗi nhóm lại có thể chia ra thành những tiểu nhóm theo một/những tiêu thức: học vấn, nhóm máu, màu da, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, tôn giáo, đảng phái, sở thích ăn uống, môn thể thao ưa thích, v.v. Hoàn toàn có thể hình dung được, trong tương lai xa sẽ là bình thường khi mỗi cá nhân A đều sẽ nói hãy coi tôi là chính tôi, chứ thực ra xếp tôi vào nhóm giới tính nào cũng đều không thật đúng đâu ạ !
Như rất nhiều người biết và như ngôn ngữ học hiện đại đã dạy cho chúng ta hiểu khá tường tận, mỗi ngôn ngữ đặt tên cho sự vật theo một cách khái niệm hóa, phạm trù hóa khác nhau. Và chính hoạt động khái niệm hóa, phạm trù hóa đã chia cắt thế giới vốn là một thể thống nhất và liên tục ra thành những vật, những sự, những tính, những hiện tượng và quá trình phân lập trong không gian và đoạn tục trong thời gian. Không có hoạt động khái niệm hóa, phạm trù hóa, không làm gì có những thực thể tồn tại dưới những dạng phân lập khách quan. “Vạn pháp do tâm tạo” là câu giáo lý của nhà Phật mà ai nấy đều từng nghe và hằng tin. Vậy thì có thể khẳng định, cách phân loại và gọi tên các loại hình vận tải hành khách dù là của Bắc Mỹ của EU hay của Singapore cũng chỉ là những giải pháp “tình huống” chứ không phải là thứ gì mẫu mực toàn hảo để Việt Nam bao giờ cũng phải nhất nhất học theo.
Những năm 70 của thế kỷ trước, ông Hồ Giáo phát hiện ra rằng trong đàn bò của mình không có con nào hoàn toàn giống con nào, mà trái lại chúng khác nhau về thể chất và tính khí khá xa. Ông bèn đặt con thì tên Hoa con tên Đốm, con tên Nâu cho dễ nhớ, tiện phân biệt, rồi chăm sóc răn dạy mỗi con theo mỗi cách riêng phù hợp với đặc tính riêng của nó. Kết quả là đàn bò lớn nhanh như thổi, cho rất nhiều thịt, sữa, và đời đã có Anh hùng lao động Hồ Giáo (được phong 2 lần) như ta biết.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại có nói đại ý, đối với giống bò, anh hùng Hồ Giáo còn phải tôn trọng và ứng xử phù hợp với đặc điểm riêng của từng con như vậy, huống chi là với trẻ em học sinh. Trong mỗi lớp học, các em Trí, Dũng, Xuân, Lan chả em nào giống em nào, trái lại em gầy em mập, em ăn khỏe em lười ăn, em thích viết vẽ, em thích hát ca, em suốt ngày chạy nhảy la hét, em thì ưa lặng lẽ ưu tư, em thì gia đình hòa thuận, em thì bố mẹ ly thân. Và lý tưởng là mỗi em đều được ứng xử theo một cách đặc thù, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý riêng và hoàn cảnh xã hội cụ thể của bản thân. Và đây chính là một trong những điểm sáng làm thành ưu thế và sức hấp dẫn của công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại.
Câu hỏi đặt ra là nếu số bò phải nuôi quá đông thì anh hùng Hồ Giáo sức đâu để nhớ tâm tính riêng, đặt tên riêng cho mỗi con? Câu trả lời là ông Hồ Giáo sức lực có hạn cũng phải liệu cơm gắp mắm và phải chấp nhận đánh đổi. Tùy thuộc đàn bò lớn hay nhỏ, số cộng sự của ông đông đảo hay ít ỏi, và tùy thuộc những con bò khác biệt nhau nhiều hay ít mà ông quyết định phương cách cho phù hợp. Nếu đàn bò quá nhiều cá thể thì phải phân thành một số nhóm sao cho trong từng nhóm những thành viên đều có nhiều điểm tương đồng, rồi có cách chăm nuôi khá đồng nhất cho mỗi nhóm. Còn khi số cá thể bò là không nhiều so với nguồn nhân lực, hoàn toàn có thể coi mỗi con là một đối tượng riêng, có tên riêng và có cách nuôi nấng chăm sóc riêng phù hợp.
Tương tự, nếu số học sinh quá đông thì người thầy phải tùy thuộc số học trò là ít hay nhiều trong tương quan với đội ngũ giáo viên; các em khá đồng đều về đặc điểm hay khác biệt nhau khá xa mà quyết định chia các em thành từng nhóm khá đồng nhất rồi có cách ứng xử riêng cho từng nhóm, hay coi mỗi em là một thực thể riêng và có cách nuôi dạy riêng cho từng em.
Trở lại câu chuyện taxi công nghệ và taxi truyền thống. Trước hết phải coi những Uber, Grab, FastGo, GoViet là những thực thể mới phát sinh. Bởi nó khác với taxi truyền thống còn hơn cả con Nâu khác với con Đốm cho nên đến một trình độ phát triển nào đó phải coi nó là những thực thể riêng. Tất nhiên trình độ đó là trình độ nào, thời điểm đó là thời điểm nào thì phải tùy thuộc tương quan lớn nhỏ, mạnh yếu giữa những thực thể cần quản lý này với năng lực quản lý nhà nước của lĩnh vực đang bàn.
Người tiêu dùng và giới chuyên gia đều thừa nhận, mô hình xe công nghệ đã đem lại lợi ích lớn, trải nghiệm người dùng và xã hội tích cực, đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh và sức ép cần thiết lên các doanh nghiệp taxi theo mô hình kinh doanh truyền thống.
|
Những bất cập về an toàn hành khách, về phân bổ doanh thu giữa tài xế và hãng cung cấp app đặt chỗ, về kê khai thuế và nộp thuế, về hạn chế lưu thông theo giờ hay theo tuyến đường, về cạnh tranh lành mạnh, về chống bán phá giá, v.v. cơ quan quản lý nhà nước cứ kiểm tra và chấn chỉnh theo quy định. Nếu thiếu quy định thì ban hành hoặc tham mưu ban hành quy định mới. Sửa Luật giao thông đường bộ, hay ban hành luật mới, ra nghị định mới, sửa đổi nghị định cũ v.v. đều là những việc khi cần có thể làm và phải làm.
Còn khi mà số đầu xe taxi công nghệ đã tới hàng trăm ngàn, khi mà người sở hữu ô tô nào cũng có thể gia nhập đội ngũ taxi công nghệ để kiếm tiền hoặc để giải trí hoặc cả hai, thì việc nên làm và cần làm sớm là phải coi lĩnh vực kinh tế chia sẻ này như một chỉnh thể riêng, có bản chất riêng, tên gọi riêng và có những giải pháp quản lý hữu hiệu riêng để thúc đẩy nó và taxi truyền thống cùng phát triển.