Tuyên bố của Bệnh viện K gây phản ứng dây chuyền
Những ngày qua, tài khoản Tiktok Đậu Thanh Tâm và nhiều tài khoản khác trên các nền tảng mạng xã hội đăng các clip phản ánh nhiều vấn đề ở Bệnh viện K. Trong đó có nội dung “tố” việc bệnh nhân phải “lót tay” 200.000 đồng mỗi lần xạ trị.
Ngày 20/8, Bệnh viện K ra thông cáo báo chí mở đầu với lời khẳng định: “Thông tin vu khống, bịa đặt sai sự thật về Bệnh viện K đang lan truyền trên mạng xã hội”.
Thông cáo báo chí này nhiều lần khẳng định “nhiều video được đăng dưới tên tài khoản Tiktok DTT (ID: @xx.thanh.xx) và một số tài khoản khác với nội dung thông tin xuyên tạc, vu khống và lan truyền có mục đích xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ hình ảnh Bệnh viện K và uy tín cá nhân các y bác sĩ, cán bộ y tế”.
Nội dung thông tin phát ra không cho thấy bệnh viện đang xác minh, tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân mà có ý đe doạ người chia sẻ video có nội dung không hay về bệnh viện. Động thái này đã khiến dư luận phản ứng quyết liệt hơn. Nhiều bình luận trên mạng xã hội tiếp tục miêu tả việc họ cũng phải “đút tiền” để được xạ trị khi điều trị ở Bệnh viện K.
Vì thế, chiều 21/8, Cục quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế đã ra công văn yêu cầu Bệnh viện K chấn chỉnh. Công văn cho rằng “Bệnh viện K đã kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông để dư luận biết. Tuy nhiên, hiện nay dư luận xã hội vẫn còn những thông tin khác nhau, phản ánh về hành vi, thái độ ứng xử của nhân viên y tế trong quá trình điều trị tại bệnh viện”. Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Bệnh viện K tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình đón tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ với người bệnh, không để xảy ra tiêu cực; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.
Ngày 22/8, mạng xã hội tiếp tục xuất hiện nhiều clip tố cáo việc xạ trị phải đưa tiền ở đây, nếu không, bệnh nhân sẽ bị gây khó dễ. Lần này, không phải là qua lời kể của một người, mà đã xuất hiện clip nhiều người mặc áo bệnh nhân, đồng loạt giơ tay công nhận là có khi được một người hỏi có đúng là phải đưa tiền mới được xạ trị hay không.
Chưa hết, trên mạng còn xuất hiện clip người phụ nữ tên Đào Thị Huế (ở Mai Sơn, Sơn La) mặc áo bệnh nhân in tên Bệnh viện K, cũng xác nhận là đúng khi được hỏi “các bệnh nhân phải đưa tiền cho bác sĩ có đúng không. Đồng thời, chị cho biết “chính tôi kẹp tiền vào tờ giấy đưa và một lúc sau được bác sĩ gọi đi khám luôn”. Chị Huế cho biết số tiền mà chị kẹp vào tờ giấy để đưa cho nhân viên y tế là 500.000 đồng, sau đó nhận lại chỉ còn mỗi tờ giấy.
Trên tài khoản matonghoanhan89, một người phụ nữ ở Khoái Châu (Hưng Yên) nói: “Tôi phải đưa 200.000 cho chồng tôi đút vào bác sĩ… Để đưa chồng đi chữa bệnh, tôi phải vay lãi… Tôi xin bắp ngô do chị Tâm cho (đồ ăn từ thiện - người viết), ăn qua bữa, còn tiền để cho chồng tôi ăn, xạ trị, thì có khổ hay không, các ông các bà biết đấy!”
Trong một clip khác, chủ tài khoản Thắng Lan (ở Phổ Yên, Thái Nguyên) cũng kể về việc anh từng chăm sóc bố trong thời gian khá dài ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Người này bày tỏ sự thấu hiểu với những người đã điều trị ở đây, nếu không có tiền sẽ bị gây khó dễ. Theo anh Thắng Lan, giấy bệnh viện hẹn bố anh là 6h00, gia đình chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và có mặt từ 5h30 nhưng khi được gọi vào thì bị kỹ thuật viên gây khó khăn. Anh ra ngoài hỏi thì mọi người mách là ở đây những người vào xạ trị thì phải kẹp 100.000 - 200.000 đồng vào mới được xạ trị.
Anh Thắng Lan cho biết sau đó anh đã quay được hình ảnh về việc gây khó dễ của nhân viên y tế. Vì bố đang điều trị ở đây nên khi một người tên là H. (ở Bệnh viện K) gọi điện xin gỡ clip, anh đã đồng ý. Tuy nhiên, anh Thắng Lan mong rằng Bộ Y tế xem xét, chấn chỉnh tình trạng này.
Ý kiến của rất nhiều bệnh nhân và người thân của bệnh nhân đã, đang điều trị ở Bệnh viện K cho thấy việc phản ứng về thái độ phục vụ ở cơ sở y tế này không chỉ đơn lẻ. Trước những “tố cáo” không ngừng lan rộng, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử ngành y tế Việt Nam, Bệnh viện K cần cầu thị lắng và xác minh, sẵn sàng xin lỗi nếu từng xảy ra những việc như người dân phản ánh. Còn người dân đang mong chờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ những dấu hiệu vi phạm được phản ánh qua mạng xã hội những ngày qua.
Giảm tải để bảo vệ quyền lợi bệnh nhân
Để “an dân”, Bộ Y tế cần có các biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh thái độ phục vụ ở bệnh viện này. Trong đó, quan trọng là phải giảm tải ở Bệnh viện K để bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân. Cảnh bệnh nhân phải xạ trị lúc 2-3h sáng, rồi truyền tai nhau về chuyện tiền “lót tay” để được xạ trị cũng xuất phát từ tình trạng quá tải trầm trọng.
Trao đổi với VietTimes, một vị giáo sư đầu ngành cho rằng Bộ Y tế cần xem lại việc phân chuyên khoa hiện nay cho phù hợp với tình hình thực tế. Ung thư là một quá trình điều trị nhiều chuyên khoa, nên ở nhiều nước trên thế giới, không phải bệnh viện chuyên ung thư làm hết, mà việc phẫu thuật ung thư đại tràng, dạ dày đều do bác sĩ ngoại chuyên về đại tràng, dạ dày mổ; ung thư phổi do bác sĩ chuyên về lồng ngực mổ; ung thư hàm mặt do các bác sĩ chuyên răng hàm mặt mổ; ung thư sản phụ khoa thì do các bác sĩ sản mổ…
Trong khi ở Việt Nam hiện nay, cứ ung thư là chuyển hết về Bệnh viện K, vừa quá tải mà bệnh nhân lại không được phục vụ bởi các bác sĩ chuyên khoa đã được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, có tay nghề và kinh nghiệm, cũng như không được hưởng các trang thiết bị hiện đại ở các bệnh viện chuyên khoa.
Vị giáo sư đề xuất Bệnh viện Việt Đức là nơi phẫu thuật ung thư rất giỏi, đủ điều kiện về máy móc, thiết bị, nhiều bác sĩ ngoại ở Bệnh viện K đã được đào tạo từ chính Bệnh viện Việt Đức; hay Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng là những nơi điều trị ung thư rất tốt. Do đó, Bộ Y tế có thể chỉ đạo các bệnh viện tuyến dưới khi chuyển bệnh nhân ung thư lên tuyến trên không dồn hết vào Bệnh viện K nữa. Bệnh viện tuyến dưới có thể chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức hoặc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Răng Hàm Mặt, tuỳ theo chỉ định điều trị ngoại hay nội khoa.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần kiểm tra xem Bệnh viện K có đủ máy móc, thiết bị, thuốc thang phục vụ bệnh nhân hay không; nếu thiếu thì vì lý do gì để tháo gỡ và có thể cử chuyên gia ưu tiên tập trung tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu cho bệnh viện này.
Giáo sư Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - cũng chia sẻ với VietTimes: Nếu nhìn nhận vấn đề quá tải ở Bệnh viện K là một nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân bị “hành”, cần phải xem xét xem hệ thống y tế đã đủ đáp ứng cho bệnh nhân hay chưa. Bệnh viện ít mà bệnh nhân đông thì sẽ quá tải.
Trong khi hệ thống y tế của Việt Nam không đủ mạnh, mà bệnh nhân có thể đến bất cứ bệnh viện nào sẽ dẫn đến bệnh nhẹ cũng lên tuyến Trung ương. Điều này tốt cho người dân, nhưng hệ thống dịch vụ y tế của Việt Nam không đáp ứng được, dẫn đến quá tải.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận ở khía cạnh tốt, việc quá tải cho thấy y tế đã phát triển, có khả năng phát hiện sớm ung thư. Tuy nhiên, vấn đề là những ca nhẹ chỉ nên điều trị ở tuyến dưới, những ca nặng mới được lên tuyến trên.
Ông Cường đặc biệt quan tâm đến vấn đề phân tuyến y tế để giảm tải tuyến trên và người dân được chăm sóc tốt hơn. Như ở Mỹ, trang thiết bị hiện đại, nhưng phân tuyến rất rõ: Các vấn đề y tế thông thường do tuyến 1 là bác sĩ gia đình đảm nhiệm, vượt quá khả năng mới lên tuyến 2, rồi tuyến 3. Mỹ không như Việt Nam là thông tuyến.
Giáo sư Cường cũng chia sẻ với thực trạng bệnh nhân dồn lên tuyến trên vì tuyến này mới có máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại. Nên vấn đề đặt ra vấn đề là phải đầu tư cho y tế tuyến dưới ít nhất phải bằng 70% của tuyến trên, để bệnh nhân ung thư được chăm sóc tốt. Nhưng thực tế, việc đầu tư cho y tế còn yếu.
Ngoài ra, để phát hiện bệnh sớm và điều trị khi bệnh còn nhẹ, bệnh nhân sẽ không phải lên tuyến trên, thì dự phòng ung thư rất quan trọng. Xác định y tế dự phòng là vấn đề lâu dài và quan trọng, Quốc hội đã yêu cầu các địa phương dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên nhiều địa phương ưu tiên cho các khó khăn trước mắt như giao thông địa phương, điện, trường học...
Đáng nói là tác động của việc dành ngân sách cho các hoạt động y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ sẽ chưa thấy rõ ngay lập tức. Nhưng đây lại là việc cần làm liên tục và lâu dài.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu