Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

Cần tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chính ngành y tế về thuốc lá mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Trong khi Thủ tướng giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ truyền thông về tác hại của thuốc lá mới thì vẫn có bác sĩ ủng hộ việc cho sử dụng thuốc lá, dù thừa nhận nó độc hại. Người dân sẽ tin ai?

Câu chuyện xây dựng chính sách về thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), còn được gọi là thuốc lá mới, tưởng chừng đã ngã ngũ sau Công điện hoả tốc 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng TLĐT, TLNN.

Đặc biệt, trong công điện này, Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế “nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý TLĐT, TLNN” - một bước đi mới thay cho trước đây là Nghị định 106 ngày 14/9/2017 của Chính phủ giao “Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm TLĐT để trình Thủ tướng Chính phủ” và công văn 4861 ngày 17/6/2000 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về chính sách quản lý TLNN tại Việt Nam cũng có nội dung tương tự.

Nhiều năm nay, Bộ Y tế đều kiên định với quan điểm cấm TLĐT, TLNN, chứ không “quản” (quản lý tức là cho phép buôn bán và sử dụng) như Bộ Công thương đề xuất, để bảo vệ sức khoẻ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, vừa qua, một số chuyên gia và công ty thuốc lá nước ngoài đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế, qua đó kêu gọi Chính phủ và Bộ Y tế bổ sung các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiện có bằng cách cung cấp các lựa chọn thay thế cho thuốc lá thông thường, như TLNN.

Lập tức, Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (CTFK) và WHO đã tìm kiếm thông tin về những người ký tên vào thư ngỏ và phát hiện đa số họ là những người rất tích cực tham gia vận động hành lang cho TLĐT và TLNN, thậm chí, có quan hệ “thâm sâu” với ngành công nghiệp thuốc lá. Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung FCTC về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO từ 2005, sau những nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế.

Vì thế, WHO cho rằng nếu Bộ trưởng hoặc Bộ Y tế đồng ý họp với những người ký bức thư sẽ vi phạm Điều 5.3 của FCTC về việc cần ngăn ngừa sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc hoạch định chính sách về kiểm soát thuốc lá và “Các quốc gia tham gia Công ước không được chấp nhận, ủng hộ hay xác nhận bất kỳ đề nghị hỗ trợ hoặc đề xuất luật hay chính sách kiểm soát thuốc lá nào do ngành công nghiệp thuốc lá dự thảo hay phối hợp dự thảo."

vt-bt-va-cac-dai-bieut-2161.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế (bìa trái) và các đại biểu ấn nút khai mạc chiến dịch truyền thông Phòng chống tác hại của thuốc lá

Bên cạnh đó, các quan điểm, lập luận về TLNN mà các bức thư này đưa ra đều bị WHO bác bỏ, vì chỉ nêu một nửa sự thật làm mất đi bản chất vấn đề, hoặc nêu không đúng sự thật, hay các thử nghiệm chủ yếu do các công ty thuốc lá tiến hành và công bố (29/40), không đảm bảo tính độc lập.

WHO cũng cho hay, một báo cáo của họ cho thấy việc sử dụng TLNN của người hút thuốc không làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến hút thuốc và các tuyên bố giảm tác hại chỉ là “chiến thuật để bẫy người dùng”.

Trong bối cảnh đó, gần đây, một số bác sĩ đã tham gia các hội thảo về thuốc lá mới và có quan điểm ủng hộ việc quản lý TLNN vì cho rằng nó ít hại hơn thuốc lá truyền thống, dù đều khẳng định nó độc hại. Điều này là đi ngược với nghiên cứu của WHO đã nói ở trên và với thực tế là có ít nhất 18 quốc gia cấm TLNN, trong đó có 5 nước thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei.

Thậm chí, có tham luận tại hội thảo của bác sĩ được người có trách nhiệm đánh giá là cơ sở để bảo vệ quan điểm cho sử dụng, thay vì cấm TLNN như chủ trương của Bộ Y tế. Điều đáng nói là lâu nay, tiếng nói của các bác sĩ luôn có trọng lượng với người dân trong những vấn đề liên quan đến sức khoẻ.

Quan điểm của bác sĩ trái với nhiệm vụ của Bộ Y tế được Thủ tướng giao trong Công điện khẩn mới đây: “Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của TLĐT, TLNN đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý”. Khi đọc thông tin đó, nhiều bạn đọc của VietTimes đã thắc mắc trong chính ngành y tế không có sự thống nhất khi lãnh đạo Bộ Y tế nói một đằng, bác sĩ ở cơ sở nói một nẻo, thì người dân tin vào ai?

Vì thế, để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong xây dựng chính sách pháp luật, Bộ Y tế cần quán triệt thống nhất quan điểm về TLĐT, TLNN trong toàn ngành, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Công ước FCTC nên việc phát ngôn về vấn đề xây dựng chính sách với thuốc lá mới cần hết sức thận trọng.

Thực tế này cũng đòi hỏi Bộ Y tế phải tăng cường hơn nữa việc truyền thông về xây dựng chính sách đối với TLĐT và TLNN, để những người liên quan đến công tác truyền thông và xây dựng chính sách về thuốc lá mới hiểu được nguy hại của các sản phẩm này, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

QLTT.jpg

Những người theo dõi quá trình xây dựng chính sách đều biết lâu nay, đại diện Bộ Y tế không tham dự các hội nghị, hội thảo có dấu hiệu được các hãng thuốc lá mới tài trợ, hỗ trợ - như một cách bày tỏ chính kiến. Tuy nhiên, một số bác sĩ uy tín lại có mặt. Việc họ đưa ra quan điểm trái với Bộ Y tế khiến nhiều người đặt câu hỏi về lý do những cán bộ này xuất hiện ở sự kiện.

Theo Quy định số 178 của Bộ Chính trị, các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách pháp luật gồm: “Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.

Các bác sĩ và cơ sở y tế cử bộ tham gia cần nắm rõ quy định này để có ứng xử phù hợp trong quá trình xây dựng chính sách. Còn đơn vị đứng ra tổ chức các hội thảo, hội nghị có dấu hiệu được các hãng thuốc lá mới tài trợ cũng rất cần biết đến nội dung thứ 4 trong Quy định 178, để điều chỉnh cho phù hợp: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.”