Đào Trung Thành
Đào Trung Thành

Chuyên gia

Dữ liệu mở và mở dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giống như dầu mỏ, bản thân dữ liệu thô không có giá trị; giá trị được tạo ra khi dữ liệu được thu thập nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và được kết nối với các dữ liệu liên quan khác.

Năm dữ liệu số Việt Nam

Năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là “Năm dữ liệu số Việt Nam" nhằm giúp khai thác dữ liệu số, đồng thời tạo ra các giá trị mới. Đặc biệt, tháng 4/2023, Bộ TT&TT đã khởi động “Năm Dữ liệu số quốc gia” và Chủ đề “Dữ liệu mở”; tập trung cụ thể vào các nội dung: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL); thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Dữ liệu có vai trò quyết định trong các hoạt động chuyển đổi số của chính phủ, Doanh nghiệp và xã hội. Nếu không có dữ liệu (Data), thì không có “số” (Digital) và như thế cũng không thể có chuyển đổi số (Digital Transformation). Hàng ngày, một lượng dữ liệu khổng lồ (big data) được sinh ra trong mối tương tác giữa người dân và chính quyền (C2G); người dân với người dân (C2C) trên mạng xã hội, qua tin nhắn; người dân với doanh nghiệp (C2B); doanh nghiệp với chính quyền (B2G)’ giữa các bộ ban ngành (G2G); giữa các doanh nghiệp (B2B). Vấn đề là những dữ liệu này cần được thu thập, làm sạch, chuẩn hóa, lưu trữ rồi cung cấp cho những đối tượng có nhu cầu hay nói cách khác, cần khai thác giá trị của những nguồn dữ liệu ấy.

“Dữ liệu là nguồn dầu mỏ mới” (“Data is new oil”). Cũng giống như dầu mỏ, bản thân dữ liệu thô không có giá trị; đúng hơn, giá trị được tạo ra khi nó được thu thập nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và được kết nối với các dữ liệu liên quan khác.

Trước đây, khi chưa có một kiến trúc dữ liệu tổng thể, các bộ, ban ngành thu thập các dữ liệu theo nhiều cách khác nhau và không có sự chuẩn hóa thông tin. Chưa kể tâm lý muốn “cát cứ thông tin” để hưởng lợi như các thông tin về quy hoạch đất đai, các dự án. Và cũng vì không có một chuẩn mực chung về dữ liệu, dẫn đến việc khó kết nối các CSDL khác nhau.

Tuy nhiên, có những địa phương đã làm khá tốt việc xây dựng kho dữ liệu chung này. Điển hình có thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí minh, hai đơn vị đi đầu trong việc thực hiện tốt chiến lược dữ liệu ở địa phương. Từ năm 2020, Đà Nẵng đã nghiên cứu và xây dựng Kho dữ liệu dùng chung nhằm chia sẻ dữ liệu cho các ứng dụng của các cơ quan nhà nước (CQNN); cung cấp dữ liệu cho Cổng dữ liệu mở thành phố (https://opendata.danang.gov.vn) để công khai thông tin, chia sẻ dữ liệu cho người dân, cho doanh nghiệp.

Hình 1: Mô hình Kho dữ liệu dùng chung của thành phố Đà Nẵng
Hình 1: Mô hình Kho dữ liệu dùng chung của thành phố Đà Nẵng

Đặc biệt, từ Kho dữ liệu dùng chung này, TP. Đà Nẵng cũng đã mở dữ liệu của CQNN; đến nay đã cung cấp gần 600 dữ liệu mở cho người dân, DN khai thác thông qua API, SMS, Zalo, web.

Ta có thể nghiên cứu về chiến lược dữ liệu của Singapore, quốc gia đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng “Chỉ số sẵn sàng cho AI của chính phủ” (Government AI Readiness Index) năm 2021 (Việt Nam đứng thứ 62, tăng 14 bậc so với năm 2020). Quốc đảo này đã xem dữ liệu là yếu tố chủ chốt trong quản lý số (quản trị số) theo chiến lược Smart Nation, và đã bắt đầu thực hiện giai đoạn đầu tiên bằng việc xây dựng nền tảng và quản lý dữ liệu công (Data Governance Strategy for public sector) trong giai đoạn 2014-2018. Đến năm 2020, Singapore đã có các nền tảng kiến trúc dữ liệu tiên tiến, và đặt mục tiêu vào năm 2023 tăng tốc độ chia sẻ bất kỳ dữ liệu mới nào giữa các đơn vị chỉ trong vòng 7 ngày thay vì 13 tháng như trước đây.

Cơ sở dữ liệu quốc gia

Việt Nam đã ý thức từ khá sớm xây dựng CSDL quốc gia. Cụ thể, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia tại Quyết định số 714/QĐ-TTg vào năm 2015 (hình 2). Trong đó, các CSDLQG này được ưu tiên triển khai, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong chính quyền.

Hình 2: Danh mục CSDLQG được quy định tại Quyết định số 714/QĐ-TTg
Hình 2: Danh mục CSDLQG được quy định tại Quyết định số 714/QĐ-TTg

Cho đến nay, chúng ta đã đạt được một số thành quả bước đầu: CSDL về dân cư đã hoàn thiện về mặt hệ thống, dữ liệu, pháp lý, chuẩn trao đổi và sẵn sàng kết nối. CDSL về dân cư được xem là CSDL quan trọng đặc biệt trong hệ thống dữ liệu quốc gia. Dữ liệu đối tượng công dân trong trong CSDL quốc gia về dân cư có thể sử dụng để xác định duy nhất một dữ liệu đối tượng công dân trong trong các CSDL quốc gia khác và CSDL của các Bộ, ngành, địa phương và ngược lại. Dữ liệu này có quan hệ đến hầu hết các dữ liệu khác như bảo hiểm, an sinh xã hội, đất đai, căn cước, hộ tịch, giáo dục, y tế, thuế tài sản, đăng ký kinh doanh,… (hình 3)

Hình 3: Mối quan hệ CSDL quốc gia về Dân cư và các CSDL quốc gia khác

Hình 3: Mối quan hệ CSDL quốc gia về Dân cư và các CSDL quốc gia khác

Dữ liệu mở so sánh với Dữ liệu đóng

Dữ liệu mở (Open data) và dữ liệu đóng (Closed data) là hai loại dữ liệu phổ biến được sử dụng trong việc thu thập, quản lý và sử dụng trong các ứng dụng và dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, hai loại dữ liệu này có những sự khác biệt cơ bản sau:

Độ truy cập:

Dữ liệu mở có độ truy cập công khai và được cung cấp miễn phí cho mọi người, trong khi dữ liệu đóng có hạn chế về quyền truy cập và chỉ được sử dụng bởi những người có quyền truy cập.

Quyền sử dụng:

Dữ liệu mở có giấy phép sử dụng rõ ràng và phù hợp với luật bản quyền, cho phép mọi người sử dụng, sao chép, chỉnh sửa và phân phối dữ liệu mà không cần yêu cầu sự đồng ý của người sở hữu. Trong khi đó, dữ liệu đóng có giới hạn về quyền sử dụng và phải được sự cho phép của chủ sở hữu.

Kiểm soát chất lượng:

Dữ liệu mở thường được kiểm soát chất lượng một cách khá chặt chẽ và được công bố trên các nền tảng mở để đảm bảo tính đúng đắn, đầy đủ và dễ sử dụng. Trong khi đó, dữ liệu đóng có thể không được kiểm soát chất lượng và chỉ được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

Đa dạng:

Dữ liệu mở thường rất đa dạng và được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Các loại dữ liệu này có thể bao gồm các tập tin văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, dữ liệu địa lý, dữ liệu thống kê, v.v. Trong khi đó, dữ liệu đóng thường chỉ bao gồm một số loại dữ liệu được phép sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Tóm lại, dữ liệu mở là loại dữ liệu công khai, được sử dụng rộng rãi với nhiều lợi ích trong việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ. Trong khi đó, dữ liệu đóng là loại dữ liệu có quyền sở hữu giới hạn và có giới hạn trong việc sử dụng. Như vậy, trong hệ thống dữ liệu tồn tại hai dạng dữ liệu mở và/hoặc đồng. Những dữ liệu được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là những dữ liệu mở.

Chúng ta có thể quan sát đến chính sách dữ liệu mở của EU. Chính phủ Liên minh Châu Âu đã ban hành một chỉ thị về dữ liệu mở, khuyến khích việc sử dụng dữ liệu xuyên quốc gia trong khu vực công để hưởng lợi chung cho nền kinh tế và xã hội Châu Âu. Chỉ thị mới này nhằm giải quyết các rào cản về việc chia sẻ dữ liệu đồng thời tạo ra một khung pháp lý cơ bản cho việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu trong khu vực công. Sau khi được triển khai bởi các quốc gia thành viên, chỉ thị này sẽ khuyến khích sự gia tăng của số lượng dữ liệu từ khu vực công sẵn sàng được mở và chia sẻ. Hầu hết dữ liệu khu vực công sẽ được cung cấp miễn phí hoặc với chi phí thấp và sẵn sàng để chia sẻ thông qua các giao diện lập trình ứng dụng (API. Điều này sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các công ty khởi nghiệp sáng tạo cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên dữ liệu công.

Kết luận

Trong bối cảnh chuyển đổi số của đất nước, dữ liệu số được xem là tài sản vô giá và có vai trò quan trọng trong các hoạt động chuyển đổi số của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Chính vì thế, việc phát triển và quản lý dữ liệu số đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.

Kế hoạch “Năm dữ liệu số Quốc gia” với chủ đề “Dữ liệu mở” do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi động nhằm tập trung vào việc phát triển dữ liệu mở, phát triển CSDL, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương, nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. Đây là một Chương trình trọng điểm trong kế hoạch Chuyển đổi số Quốc gia.

Việc phát triển dữ liệu số và xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu chung là một bước quan trọng trong chuyển đổi số của đất nước, đồng thời đó cũng là một cơ hội để tạo ra những giá trị mới và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.