Mới đây, cơ quan tố tụng vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các vụ án liên quan tới Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty Xuyên Việt Oil của bà Mai Thị Hồng Hạnh. Hai nữ chủ tịch kinh doanh ở hai lĩnh vực khác nhau nhưng có điểm chung là hối lộ quan chức rất nhiều tiền khiến dư luận phải giật mình.
Với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, để thâu tóm hàng chục gói thầu cung cấp vật tư y tế, công nghệ tại các dự án ở các tỉnh thành, nữ chủ tịch công ty AIC đã hối lộ, cảm ơn các quan chức đầu tỉnh, lãnh đạo sở ngành, chủ đầu tư dự án… hàng chục tỷ đồng. Có thể kể ra các con số như 43,8 tỷ đồng ở Đồng Nai, 4,1 tỷ đồng ở Bắc Ninh, hơn 14,8 tỷ đồng ở Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TP.HCM.
Câu hỏi đặt ra là "bà trùm đấu thầu" Nguyễn Thị Thanh Nhàn lấy tiền từ đâu để hối lộ các quan chức?
Theo hồ sơ các vụ án, AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập và điều hành hoạt động với các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc từ năm 2005 tới tháng 9/2020.
Trong quá trình điều hành hoạt động của công ty, bà Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC phải thực hiện “quy trình 70 bước" thực hiện thông thầu, gian lận trong đấu thầu. Bám theo đó, nhân viên của AIC sẽ liên hệ, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá, và các công ty “quân xanh” nhằm đảm bảo cho Công ty AIC dự thầu và trúng thầu.
Để thuận lợi thực hiện trót lọt các bước đấu thầu trái luật, bà Nhàn thành lập và trực tiếp điều hành các “Ban nội bộ”, giao những người thân tín của mình phụ trách thực hiện việc điều chuyển tiền thu lợi bất chính và hợp thức hóa tài liệu, chứng từ để chi ngoài sổ sách cho các quan chức theo cơ chế do bà Nhàn đặt ra.
Như tại Đồng Nai, nhờ sự “móc ngoặc”, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, chủ đầu tư dự án… công ty của AIC đã thâu tóm trái luật 16 gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho dự án Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai trị giá hơn 665 tỷ đồng.
Quá trình AIC thực hiện dự án, bà Nhàn đã nhiều lần trực tiếp hoặc cử nhân viên hối lộ, cảm ơn ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy), cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái (sau này là Chủ tịch UBND tỉnh) mỗi người 14,5 tỷ đồng, Phan Huy Anh Vũ (Cựu giám đốc BVĐK Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư) 14,8 tỷ đồng…
Tại Bắc Ninh, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước với lãnh đạo tỉnh này như ông Nguyễn Nhân Chiến (cựu Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh), ông Nguyễn Tử Quỳnh (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh), bà Nhàn được các vị này đồng ý, tạo điều kiện cho AIC trúng 3 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại 3 BVĐK tuyến huyện vào năm 2015.
Được “bật đèn xanh”, bà Nhàn đã thỏa thuận thống nhất với ông Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình Y tế, Sở Y tế Bắc Ninh), khi trúng thầu, ký hợp đồng và nhận tiền tạm ứng, thanh toán các gói thầu, AIC sẽ chi tiền ngoài hợp đồng cho lãnh đạo tỉnh, các sở ngành. Riêng ông Tuynh sẽ nhận từ Công ty CP Sông Hồng - đây là công ty cùng với AIC chia nhau 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế (mỗi bên 3 gói) cho 6 BVĐK tuyến huyện ở Bắc Ninh.
Với sự “móc ngoặc” thống nhất từ trước của bà Nhàn và các quan chức tỉnh Bắc Ninh, nhân viên AIC đã “thông đồng” với cán bộ Ban Quản lý dự án, đơn vị thẩm định để hợp thức giá dự toán, hồ sơ dự thầu trước khi tung “quân xanh”, “quân đỏ” đấu thầu. Cuối cùng, AIC và công ty thuộc hệ sinh thái AIC của bà Nhàn đã thâu tóm 3 gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho 3 bệnh viện huyện với tổng trị giá hơn 126 tỷ đồng.
Thực hiện thỏa thuận trước đó, sau khi AIC thâu tóm được các gói thầu, bà Nhàn đã 3 lần trực tiếp đưa tiền cho ông Chiến tổng cộng 3 tỷ đồng, 2 lần trực tiếp đưa cho ông Nguyễn Tử Quỳnh tổng số tiền 1 tỷ đồng. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, nữ chủ tịch AIC còn nhiều lần đưa quà cho ông Chiến kèm theo tổng số tiền 10 tỷ đồng, còn ông Quỳnh là quà kèm tổng số tiền 8,1 tỷ đồng. Số tiền này cơ quan truy tố thông tin không liên quan đến việc thực hiện 6 gói thầu tại các dự án BVĐK tuyến huyện ở Bắc Ninh.
Hồ sơ vụ án cũng cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2020, bà Nhàn nhiều lần chỉ đạo nhân viên quản lý quỹ của Công ty AIC rút tiền từ tài khoản công ty hoặc công ty sinh thái để đưa cho nữ chủ tịch đi đối ngoại với sở ngành và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, mỗi lần 500 triệu đến 3 tỷ đồng. Việc chi tiền được thực hiện sau khi AIC trúng thầu, ký hợp đồng và được chủ đầu tư tạm ứng, thanh toán tiền.
Tương tự, tại dự án Trung tâm CNSH TP.HCM, sau khi thâu tóm trái luật 8 gói thầu mua sắm trang thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng tại đây, nữ chủ tịch công ty AIC đã “cảm ơn” ông Dương Hoa Xô (Giám đốc Trung tâm CNSH, đại diện chủ đầu tư dự án) số tiền 14,4 tỷ đồng như đã giao hẹn từ trước.
Với việc nhận tiền hối lộ từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, loạt cán bộ, quan chức ở Đồng Nai, Bắc Ninh và Trung tâm CNSH TP.HCM tiếp tay cho AIC thâu tóm hàng chục gói thầu có giá trị hàng trăm tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 300 tỷ đồng.
Về phần Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh, để công ty được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào các năm 2016 và năm 2021, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát quỹ bình ổn (BOG), được ưu đãi mua hàng và thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu, được cục thuế TP.HCM chậm ban hành quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế và xin phê duyệt hạn mức tín dụng vay ngân hàng, nữ chủ tịch Việt Oil đã 22 lần hối lộ các cán bộ, quan chức tại Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM, ngân hàng… với tổng số tiền hơn 31,5 tỷ đồng. Chưa kể, bà trùm xăng dầu còn mạnh tay chi hàng trăm nghìn USD và quà tặng trị giá hàng tỷ đồng cho các quan chức.
Trong đó, có thể kể tới việc cựu Bí thư tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ được bà Hạnh hối lộ, tặng quà giá trị hàng triệu USD, cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng được hối lộ 50.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng), cựu Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM nhận hối lộ 500 triệu đồng và 190.000 USD (tương đương 4,36 tỷ đồng), nhiều cán bộ thuộc Bộ Công thương, Bộ Tài chính nhận hối lộ từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD.
Về nguồn tiền nữ chủ tịch Công ty Việt Oil sử dụng để hối lộ, cơ quan tố tụng xác định, lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền QBO giá xăng và thuế bảo vệ môi trường, Hạnh đã làm trái các quy định về trích lập, quản lý, sử dụng quỹ QBO, không chuyển tiền nộp thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước mà chuyển vào tài khoản cá nhân, gây thất thoát cho Nhà nước tổng số tiền hơn 1.463 tỷ đồng. Số tiền trên, ngoài mang đi hối lộ, Hạnh còn sử dụng chi tiêu cá nhân như mua bất động sản, cho bạn bè vay mượn.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu