Theo báo cáo từ Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (báo cáo được xây dựng dựa theo khảo sát về nhu cầu, thực trạng triển khai các hoạt động chuyển đổi số của 1.000 doanh nghiệp trên cả nước thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề) thì có tới 48,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số để sản xuất, kinh doanh nhưng hiện tại đã dừng do các giải pháp này chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại của doanh nghiệp.
Hiện chỉ có 2,2% doanh nghiệp làm chủ công nghệ, 6,2% doanh nghiệp đã hoàn thành xác định mục tiêu chuyển đổi số và chỉ có 7,6% doanh nghiệp đã từng bước xây dựng kế hoạch để chuyển đổi số. Các doanh nghiệp vẫn chưa xác định mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, đồng thời thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất.
Đây là một góc nhìn từ phía doanh nghiệp về chuyển đổi số, thực trạng trong khối các tổ chức chính quyền cũng không khác gì mấy. Tình trạng loay hoay với các kế hoạch, các chương trình, hoạt động, dự án về chuyển đổi số đang là một thực trạng phổ biến.
Vấn đề quan trọng nhất đến giờ là sau hơn 2 năm từ ngày Quyết định 749/QĐ-TTg (03/06/2020) của Thủ tướng chính phủ về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030" được ban hành, nhận thức về chuyển đổi số thực sự vẫn chưa được nâng tầm. Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu chuyển đổi số là chuyển đổi gì? chuyển đổi như thế nào? mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là gì? Đây vẫn là một điểm nghẽn, một nút rối mù.
Điều này đã được minh chứng rõ ràng bằng việc Quyết định 146/QĐ-TTg (28/01/2022) ra đời, trong đó, nêu lại một vấn đề cần phải làm đầu tiên nếu chúng ta muốn chuyển đổi số thành công, đó là nhận thức cho đúng chuyển đổi số là gì, phải làm gì, để làm gì; phải có những năng lực để chuyển đổi; và phải có con người để chuyển đổi thì mới chuyển đổi được. Vậy đâu là vấn đề?
Cần đưa chuyển đổi số hướng tới một chuẩn mực chung
Cần khẳng định chuyển đổi số là một chủ trương đúng, một nhận thức mang tính thời đại, có tính tiên phong và tính cách mạng. Trong Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 21/09/2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số được xác định là một nhiệm vụ mang tính “giải pháp/phương tiện” để Việt Nam có thể chủ động tham gia vào cuộc cách mạng này. Đó là một nhận thức rất rõ ràng về phương tiện và cách mạng, chuyển đổi số chính là phương tiện để chúng ta thực hiện thành công cuộc cách mạng này, tiến đến cuộc cách mạng này một cách chủ động.
Tuy nhiên, trong tiến trình triển khai thực hiện Nghị quyết này, chuyển đổi số đã được diễn giải bằng những mục tiêu cụ thể, những nhiệm vụ và giải pháp khiến cho việc hiểu về chuyển đổi số như một phương tiện cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được hiểu lầm thành việc mở rộng hoạt động của các dự án công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin. Tính mới, tính cấp bách của tình hình cũng khiến cho tiến trình chuyển đổi số được thúc đẩy mà chưa có một đội ngũ cán bộ sẵn sàng làm những con chim nhạn đầu đàn dẫn dắt tiến trình này. Sự phức tạp của thực tiễn đặt ra, cùng với những hạn chế về nhân lực trong triển khai đã khiến cho, dù việc chuyển đổi nhận thức luôn được đặt ra là nhiệm vụ hàng đầu trong mọi chủ trương, chính sách, kế hoạch... nhưng lại luôn là điểm nghẽn đầu tiên.
Bản thân chuyển đổi nhận thức là chuyển đổi cái gì cũng đã là một câu hỏi lớn, và trong tình trạng đó, phong trào trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng về chuyển đổi số thực sự đã làm cho chuyển đổi số từ một phương tiện cách mạng đúng đắn và có tính thời đại trở thành một “mỹ từ” được gán cho mọi thứ có vẻ liên quan đến công nghệ số.
Một đặc điểm quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là cuộc cách mạng này không hề có một mô hình khuôn mẫu cho mọi quốc gia, mọi tổ chức để có thể học nhau và mang về áp dụng là thành công. Cái mà chính Klaus Schwab khi viết về cuộc cách mạng này cũng chỉ đưa ra những khung khổ định hình để với từng thực tiễn của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức mà có những điều chỉnh và định hình cụ thể cho mình. Hai yếu tố này cùng hòa quyện vào nhau đã làm cho chuyển đổi số trở thành một mỹ từ quen thuộc nhưng vô cùng mơ hồ và khi triển khai thì sự mơ hồ đó làm rối tất cả những người tham gia triển khai.
Để đưa chuyển đổi số trở về đúng vai trò của mình – phương tiện cách mạng, chúng ta cần phải đưa chuyển đổi số hướng tới một chuẩn mực chung. Cũng cần nói ngay rằng, việc hướng tới một chuẩn mực chung không phải là dựa trên một quan điểm, cách tiếp cận hay phương pháp nào để phủ định hoàn toàn các quan điểm, cách tiếp cận hay phương pháp khác. Hướng tới một chuẩn mực chung và thông qua sự dẫn dắt của một cánh chim nhạn đầu đàn, các bên liên quan đến tiến trình chuyển đổi số cùng nhau hoàn thiện, hiệu chỉnh để hướng tới một quan điểm, cách tiếp cận hay phương pháp có tính chất tổng hòa được những hiện tồn. Cánh chim nhạn đầu đàn này phải chứng minh được cách thức mà mình đề xuất có được năng lực đó.
Chỉ khi hướng tới được một chuẩn mực chung, chúng ta mới có thể đồng thanh, đồng lòng và đồng thuận để cùng nhau hiểu được chuyển đổi số là chuyển đổi gì. Khi đó, chuyển đổi nhận thức thực sự mới có thể diễn ra, mới có thể cụ thể hóa và đi vào hành động thực tiễn được. Khi đó như các tay chèo trong cùng một con thuyền mới có thể cùng nhịp chèo để chuyển đổi nhanh nhất con thuyền chuyển đổi số.
Cần phải đưa các hoạt động chuyển đổi số thành một hành động có tính hệ thống
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đi vào từng ngõ ngách của đời sống thường ngày, biến đổi từng bước sâu rộng đời sống hàng ngày của từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ. Không một ai có thể đứng ngoài sự tác động này. Chỉ có một con đường duy nhất trước “cơn sóng lịch sử” này đó là tiếp nhận, làm chủ và biến thành cơ hội. Chuyển đổi số, do vậy, là một cuộc cách mạng về mặt tư duy để hình thành nên một hình thái tổ chức xã hội mới, phù hợp với những điều kiện mới mà sự tích lũy về lượng (cách mạng kỹ thuật số) đã đạt đến điểm mà ở đó sự biến đổi về chất (chuyển đổi số) diễn ra.
Sự chuyển đổi này không thể diễn ra theo cái cách nơi làm, nơi không làm, nơi làm trước, nơi làm sau, mỗi nơi, mỗi kiểu. Hình thái tổ chức xã hội mới đã kiến tạo nên một thiết kế tổ chức mới mà chúng ta gọi là nền tảng (platform), chính trong Quyết định 942/QĐ-TTg (15/06/2021) về chiến lược chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số cũng đã khẳng định “Chính phủ số là nền tảng”.
Nền tảng là một thiết kế tổ chức được kiến trúc dựa trên các mạng lưới (network) trong một xã hội mạng lưới (network society). Cách thức tổ chức này đòi hỏi sự gắn kết của mọi thành viên trong một tổ chức, mọi tổ chức/thành viên trong xã hội thành những mạng lưới đồng tâm. Điều đó có nghĩa là, mỗi thành viên phải đồng thời đồng hành động trong một môi trường mới (môi trường số), không thể người hành động, người không, điều đó sẽ phá vỡ mạng lưới và làm triệt tiêu hiệu quả mà mạng lưới này tạo ra.
Chính vì vậy, việc hệ thống hóa các hành động về chuyển đổi số có một ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số hướng tới thành công. Điều này đòi hỏi một sự phối hợp có tính hệ thống trong toàn bộ các cấp, từ trung ương tới địa phương, từ quốc gia tới từng công dân, từ các khu vực công đến các khu vực tư trong hoạt động kinh tế. Để làm điều đó, việc có được những kiến thức một cách hệ thống về tiến trình chuyển đổi số, tức là hiểu được chuyển đổi số là chuyển đổi như thế nào một cách thống nhất và có hệ thống trở thành một điều kiện tiên quyết.
Công nghệ trong tiến trình chuyển đổi số chỉ mang tính phương tiện. Chuyển đổi cách nghĩ, cách làm để tiếp cận, ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả vào các tiến trình hoạt động mới là trọng tâm chính của tiến trình chuyển đổi số. Và đây cũng chính là nội dung cần thống nhất và có được tính hệ thống.
Cần xây dựng một nội dung đào tạo về chuyển đổi số mang tính thống nhất |
Điều này đặt ra một yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng một nội dung đào tạo về chuyển đổi số có tính thống nhất và hệ thống, đặc biệt là đào tạo gắn liền với thực tiễn để đáp ứng tính đặc thù của tiến trình này với mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương và chúng tôi gọi hình thức đào tạo này là tư vấn-đào tạo, có vai trò quan trọng và quyết định đến năng lực chuyển đổi để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số sâu, rộng và nhanh hơn.
Chỉ có đào tạo và cụ thể ở đây là tư vấn-đào tạo một cách thống nhất và hệ thống những nội dung chủ đạo của tiến trình chuyển đổi số, chúng ta mới có thể hệ thống hóa các hành động của tiến trình này.
Đồng bộ hóa tiến trình chuyển đổi số để chuyển đổi số trở thành phương thức mới cho công nghiệp hóa-hiện đại hóa thành công
Như đã phân tích về tính phương tiện của chuyển đổi số đối với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số một lần nữa tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII (10/2022) đã khẳng định đây là một phương thức mới để thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa (với mốc 2045).
Để thực sự trở thành phương tiện hay phương thức mới, chuyển đổi số phải là một tiến trình đạt được sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ quốc gia đến từng công dân, từ cả khu vực công đến khu vực tư trong hoạt động kinh tế, bởi chỉ khi đó, hiệu ứng mạng lưới từ các nền tảng (platform) được kiến tạo trong tiến trình chuyển đổi số mới có thể đem lại hiệu quả thực sự.
Nghị quyết 52-NQ/TW (21/09/2019) của Bộ Chính trị cũng đã xác định mục tiêu cuối cùng của tiến trình chuyển đổi số chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Sự chuyển đổi này có thể cụ thể hóa là tạo ra sự đột phá (disruption) về năng suất từ sự đột phá về giá trị tạo ra được trong các tiến trình giao dịch và hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Sự đột phá này không thể có được bằng những nỗ lực cải tiến truyền thống hiện tại, nó chỉ có thể có được bằng việc tạo ra hiệu ứng mạng lưới từ sự kết hợp thông qua những phương thức chia sẻ trong một xã hội mạng lưới để tạo nên những bội số nhân về giá trị đạt được nhờ sự phối hợp tối ưu các nguồn lực, các cơ hội và các giải pháp thông qua sự hỗ trợ của công nghệ số và dữ liệu số.
Phương thức sản xuất truyền thống cần phải được chuyển đổi sang một phương thức sản xuất mới, hướng tới một hoạt động kinh tế mới – kinh tế số, mà ở đó giá trị được tạo ra từ việc vốn hóa hiệu quả dữ liệu (như một nguồn đầu vào chủ chốt) cho phép mở rộng vô tận không gian, thời gian và cả khả năng hấp thụ/trao đổi/chia sẻ giá trị của con người trong những không gian mới kết hợp giữa người và máy (H2M – human to machine) – metaverse.
Để làm được điều đó, sự đồng bộ có ý nghĩa quan trọng và là điều kiện đủ (điều kiện cần là hệ thống hóa) cho tiến trình chuyển đổi này đạt được những kết quả và tựu thành giá trị. Sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu cũng chính là sự chuyển đổi cách tăng trưởng từ tập trung vào khai thác sang chia sẻ, từ nỗ lực “làm nhiều hơn” sang nỗ lực “tạo ra giá trị nhiều hơn”,
Muốn có được sự đồng bộ, chúng ta cần thiết lập những chuẩn mực trong việc thực hiện chuyển đổi số bằng cách, không thể ai cũng có thể tự phong là chuyên gia về chuyển đổi số, ai cũng có thể đi đào tạo về chuyển đổi số, và giao trách nhiệm về chuyển đổi số cho những cán bộ chưa được đào tạo bài bản. Cần coi việc thực hiện chuyển đổi số như một “nghề nghiệp đòi hỏi có tính chuyên môn cao và những chuẩn mực thống nhất, có tính hệ thống”. Do vậy, rất cần thiết phải đặt ra những chứng chỉ chuyên gia về chuyển đổi số, chứng chỉ giảng dạy chuyển đổi số, và chứng chỉ chuyên viên phụ trách chuyển đổi số. Thực hiện được điều này sẽ giúp cho tiến trình chuyển đổi số có được một sự đồng bộ.
Chuẩn hóa, hệ thống hóa và đồng bộ hóa để cộng hưởng hiệu quả tiến trình chuyển đổi số
Chuẩn hóa kiến thức về chuyển đổi số sẽ giúp chúng ta thực sự biết rõ chuyển đổi số là chuyển đổi gì để có thể chuyển đổi nhận thức thành công. Chỉ khi chuyển đổi nhận thức thành công, người lãnh đạo và các thành viên mới dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số đi đúng hướng.
Hệ thống hóa công tác đào tạo về chuyển đối số giúp chúng ta triển khai thực hiện tiến trình chuyển đổi số hiệu quả thông qua việc nắm chắc những hành động mà tiến trình chuyển đổi thực sự cần chuyển đổi, từ đó làm đúng việc cần làm.
Đồng bộ hóa việc công nhận các tiêu chuẩn nghề nghiệp liên quan đến tiến trình chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để có được những người chuyên nghiệp thực hiện tiến trình chuyển đổi số, đảm bảo những người thực hiện đủ hiểu sâu về tiến trình này mà từ đó đưa tiến trình đi đến đúng mục tiêu cuối cùng đặt ra.
Việc chuẩn hóa, hệ thống hóa và đồng bộ hóa được thực hiện tốt sẽ cho phép cộng hưởng hóa hiệu quả từ các hoạt động mà tiến trình chuyển đổi số đặt ra, triển khai, thực hiện đưa đến sự đột phá về năng suất cho phát triển.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu