Bệnh nhân là anh Đức Dương (42 tuổi, ở quận 12) đến BV Thống Nhất TP.HCM khám trong tình trạng sưng góc hàm bên trái, khó nuốt nước bọt, ăn uống đau.
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng (BV Thống Nhất TP.HCM) - cho biết, bệnh nhân được nhập viện cấp cứu vào đêm 3/1. Trước đó, cùng ngày anh đến một BV tại TP HCM kiểm tra, siêu âm thấy viêm tuyến dưới hàm, về nhà thì vùng cổ trái sưng to nhanh, đau nhiều, khó thở.
Khi bệnh nhân vừa vào viện, nhận định nhiều khả năng có áp xe, bác sĩ nhanh chóng cho nằm đầu thấp, kê nằm dốc xuống để mủ không chạy xuống tim và phổi. Nếu ổ áp xe gây ảnh hưởng động mạch cảnh hoặc tràn xuống trung thất, vào tim và phổi, có thể nguy hiểm tính mạng.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm vùng tuyến nước bọt dưới hàm bên trái do sỏi, tạo thành ổ áp xe, lan xuống vùng cổ và trung thất trên. Các bác sĩ đã hội chẩn nhiều chuyên khoa, quyết định mổ khẩn để dẫn lưu áp xe cho bệnh nhân.
Bác sĩ BV Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân sau mổ. Ảnh: BV
|
Trong ca mổ, bệnh nhân há miệng hạn chế, các bác sĩ dự trù phương án nếu không đặt nội khí quản gây mê được sẽ mở khí quản trực tiếp. Quá trình gây mê thuận lợi, bệnh nhân trải qua gần 3 giờ phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe ra ngoài.
Sau mổ, các bác sĩ trong kíp phẫu thuật đã trực tiếp chăm sóc vết mổ để có thể xử trí kịp thời. Mỗi ngày, bệnh nhân được rửa sạch áp xe, thay băng 4 lần. Hiện, vết mổ của bệnh nhân hồi phục tốt, dự kiến có thể xuất viện sau Tết.
Bác sĩ Lê Nhật Vinh - Khoa Tai Mũi Họng (BV Thống Nhất TP.HCM) - cho biết, bệnh nhân bị hình thành ổ áp xe do sỏi tuyến nước bọt dưới hàm tắc lại gây viêm. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến áp xe là viêm nhiễm vùng miệng họng, sâu răng, viêm nha chu, viêm amidan...
Bác sĩ khuyên người dân khi cổ bị sưng, đau, há miệng khó nên đến bệnh viện kiểm tra. Tình trạng áp xe xe thường diễn tiến nhanh, dễ gây nguy hiểm nếu không phát hiện điều trị kịp thời. Trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta nên giữ vệ sinh răng miệng thật kỹ, kiểm tra amidan thường xuyên, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường.