Bệnh nhân là bé trai V.H.L (14 tuổi, ở Bến Tre) bị u sợi mạch vòm mũi họng khá lớn. Tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM, kết quả kiểm tra cho thấy u sợi của bệnh nhân có nhiều thùy, chiều dài khoảng 12cm, gây hủy toàn bộ đáy xoang bướm, xâm lấn vào xoang bướm và hố chân bướm khẩu cái bên phải. Bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi mũi xoang bằng trang thiết bị hiện đại lấy khối u triệt để cho bệnh nhân.
Với phương pháp này, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân chỉ mất khoảng 200ml máu. Hậu phẫu, bệnh nhân được đặt 1 miếng merocel và đã rút sau 1 ngày. Hiện, bệnh nhân không còn chảy máu, đã ăn uống và đi lại bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn - Trưởng Khoa Mũi Xoang - cho biết, u sợi mạch vòm mũi họng là khối u lành tính nhưng tăng sinh mạch máu dữ dội và xâm lấn, phá hủy các cấu trúc xung quanh. Bệnh chỉ xảy ra ở nam giới từ 7-25 tuổi, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì, thường gặp ở người Châu Á. Hiện, vẫn chưa biết được nguyên nhân gây ra bệnh.
Những triệu chứng ban đầu của bệnh u sợi mạch vòm mũi họng là trẻ dễ bị chảy máu cam khi hắt hơi. Ảnh minh họa: Internet
|
Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có triệu chứng ban đầu là dễ chảy máu mũi khi xì mũi, hắt hơi hoặc vận động nặng và thường bị nghẹt 1 bên mũi, ù tai. Khi u lớn hơn sẽ xâm lấn các cấu trúc xung quanh như lồi mắt, biến dạng mặt…
Phương pháp chụp Ctscan cản quang là tiêu chuẩn vàng giúp hướng đến chẩn đoán bệnh u sợi mạch vòm mũi họng. Bệnh này chống chỉ định định sinh thiết trước mổ vì có nguy cơ chảy máu, mất máu đe dọa đến tính mạng.
Trước đây khi nội soi chưa phát triển, ta thường phẫu thuật lấy u chủ yếu qua đường mổ ngoài cạnh mũi, để lại 1 đường sẹo dài gây mất thẩm mỹ. Quá trình phẫu thuật thường mất rất nhiều máu (từ 1000-1500 ml) và bệnh nhân phải được truyền máu sau đó. Đồng thời, quá trình chăm sóc sau hậu phẫu rất khó khăn và tỉ lệ tái phát cao.
Hiện nay, phương pháp nội soi mũi xoang phát triển, dần thay thế cho đường mổ ngoài. Đồng thời, khi kết hợp phương pháp này với các dụng cụ phẫu thuật hiện đại như hệ thống định vị 3 chiều, dụng cụ cắt đốt chuyên dụng Coblator, hệ thống khoan 30.000 vòng/s… đã giúp phẫu thuật viên tiếp cận u rộng rãi và lấy u triệt để hơn.
Với kỹ thuật mới này, bệnh nhân được kiểm soát mất máu trong lúc mổ rất tốt, hạn chế truyền máu trong và sau mổ, hạn chế tổn thương các cấu trúc giải phẫu quan trọng. Sau mổ chỉ cần đặt merocele 1 ngày, hậu phẫu nhẹ nhàng, hồi phục sức khỏe nhanh và rút ngắn thời gian nằm viện chỉ còn 4-5 ngày nên tiết kiệm chi phí điều trị.
Theo PGS TS Trần Phan Chung Thủy - Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP. HCM, với bệnh u sợi mạch vòm mũi họng, cần phát hiện sớm từ khi khối u ít xâm lấn để điều trị hiệu quả hơn, ít tai biến, không để lại sẹo.
Bác sĩ Thủy khuyến cáo những bé trai từ độ tuổi 7-25, khi có chảy máu mũi tái phát dai dẵng kèm nghẹt mũi 1 bên, ù tai phải đến những bệnh viện, cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để được nội soi và phát hiện bệnh sớm. Nếu để lâu, u sợi mạch vòm mũi họng sẽ xâm lấn vào các cấu trúc quan trọng như hốc mắt, động mạch cảnh trong, não, màng não… gây khó khăn cho việc phẫu thuật và điều trị.