“Làm sao để tôi biết rằng bác sĩ không mang tạng của ba tôi đi bán!”
Một ngày cuối năm 2019, bà Y., người phụ nữ ngoài 60 tuổi với nụ cười hiền hậu chào đón chúng tôi vào nhà thắp nén hương cho ông K.H.N.(chồng bà) - người đã hiến tạng cứu người sau khi mất đi. “Có lẽ không khí bây giờ đã thoải mái hơn, nhưng tháng năm trước đó thì không nhẹ nhàng chút nào” – Bà Y. trải lòng những cay đắng mình trải qua sau khi chồng mất.
Chồng bà làm nghề lái xe hợp đồng, là lao động chính trong gia đình có 4 người. Cuộc sống không mấy dư dả, chỉ đủ để nuôi hai đứa con trai khôn lớn. Các con trưởng thành, có nghề nghiệp tự nuôi được bản thân, vợ chồng bà vẫn miệt mài lao động để không trở thành gánh nặng cho con.
Bà Y. niềm nở đón chào đoàn bác sĩ BV Chợ Rẫy TP.HCM đến thăm, tri ân gia đình hiến tạng nhân đạo. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Một ngày, ông ngồi uống chén rượu thì xảy ra xô xát, hiểu lầm với một người thanh niên rồi bị người này xô ngã, chấn thương sọ não. Ông được nhanh chóng đưa vào Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sự ra đi đột ngột và đau đớn của chồng khiến bà Y. ngã khụy.
Trước một ca bệnh chấn thương sọ não quá nặng, chết não, tiên lượng bệnh nhân không qua khỏi, TS. BS Dư Thị Ngọc Thu – Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (BV Chợ Rẫy TP.HCM), đã giải thích cặn kẽ nguyên nhân cho gia đình bệnh nhân.
Đồng thời, bác sĩ Thu cũng gợi ý vấn đề hiến tạng đến bà Y. Sau khi nghe xong, bà Y. gật gù nói “tôi có nghe về hiến tạng nhưng chắc các con tôi không chịu đâu, để tôi về nói chuyện với chúng xem sao”.
Bà lần giở lại những giấy tờ về hiến tạng nhân đạo của người chồng quá cố. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Ngay sáng hôm sau, anh T. – con trai bà Y. đến BV Chợ Rẫy TP.HCM, gặp bác sĩ Thu và đề cập thẳng vào vấn đề: “Tôi nghe bác sĩ nói với mẹ tôi về việc hiến tạng của cha tôi. Tôi thấy việc này rất tốt. Nhưng, bác sĩ phải làm sao để tôi biết rằng bác sĩ không mang tạng của ba tôi đi bán!”.
Cuộc nói chuyện sau đó kéo dài 2 tiếng đồng hồ, bác sĩ Thu giải thích cặn kẽ quy trình hiến tạng như thế nào cho anh T. hiểu. Nghe xong, anh liền nói: “Bác sĩ nói vậy thì tôi đã hiểu rồi. Tôi sẽ về nói chuyện lại với mẹ tôi”.
Trở về nhà, anh T. bàn với mẹ về việc hiến tạng cha. “Ban đầu tôi không đồng ý đâu, nhưng nó nói riết rồi cũng thấy xuôi tai rồi đồng tình. Nó nói giờ ba đã quá yếu, không còn hy vọng sống nữa. Ba chết đi rồi cũng sẽ trở thành cát bụi. Nếu gia đình mình đồng ý hiến tạng thì ba sẽ cứu được biết bao nhiêu người.
“Mẹ à, cứu một mạng người còn hơn xây 7 tầng tháp. Mẹ hãy nghĩ đến bao nhiêu người người ta không có bộ phận đó để duy trì sự sống và ba thì có thể giúp được họ. Mình làm vậy cũng là tích phước cho ba”” – Bà Y. kể lại những lời nói của con trước ngày mấy mẹ con ký vào tờ giấy hiến tạng chồng.
“Nhưng người ta nói mình bán tạng thì sao con?” – Bà Y. lo lắng đặt câu hỏi với con.
“Việc tốt mình cứ làm mẹ à, miễn mình đừng làm gì trái với đạo đức và lương tâm!” – Anh T. khẳng định chân lý ở đời.
BV Chợ Rẫy TP.HCM đến thăm, gởi tặng gia đình bà Y. món quà tri ân. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Suy nghĩ đắn đo mãi, 2 ngày sau bà cùng các con đến ký tên vào tờ giấy xin hiến tạng nhân đạo. Ngày đặt bút ký vào tờ giấy hiến tạng chồng, bà Y. đau đớn nhưng nghĩ đến việc chồng có thể cứu sống được nhiều người thì cảm thấy an ủi hơn.
Ngay khi ông K.H.N. mất, các bác sĩ BV Chợ Rẫy TP.HCM đã tiến hành nhận lấy tạng hiến nhân đạo này. Chồng bà hiến được 2 quả thận, 1 gan và 2 giác mạc, cứu được nhiều người.
Đám tang chồng bị điều tiếng oan nghiệt và niềm hạnh phúc được giải oan
Sống đến chừng này tuổi, sau nhiều va vấp và biến cố, bà dễ dàng chấp nhận quy luật của đời người sống nay chết mai, không ai biết trước được điều gì. Dẫu vậy, bà cũng chưa bao giờ nghĩ đến 1 ngày người chồng gần 60 tuổi, đang khỏe mạnh, không bệnh đau mà lại ra đi đột ngột. Và bà Y. càng không bao giờ nghĩ đám tang của chồng lại hiu hắt, bị ghẻ lạnh và chịu nhiều điều tiếng oan nghiệt.
“Đám tang của chồng tôi hiu hắt, lạnh lẽo vì thiếu tình làng nghĩa xóm, thiếu sự chia sẻ của người thân trong gia đình. Ngay trong đám tang chồng, khi tôi khóc nước mắt ngắn dài thì họ hàng, bà con hàng xóm xì xầm, len lén nhìn tôi rồi nói ra nói vào.
Sau đám tang, họ hàng xa lánh, tôi có cố giải thích cũng không ai tin rằng tôi hiến tạng chồng. Tôi đi ra đường bị người ta nhìn bằng ánh mắt coi thường, xì xầm sau lưng. Ở cái vùng này, chẳng biết ai đồn mà đi đâu cũng nghe người ta bàn tán nói rằng tôi bán tạng chồng” – Bà Y. kể lại không ngăn được dòng nước mắt chực lăn dài.
Bà Y. không ngăn được nước mắt khi nhớ về tháng ngày sống trong điều tiếng, oan ức bán tạng chồng. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Suốt 1 năm trời đằng đẵng sống trong những lời đàm tiếu của thiên hạ, bà Y. suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều lần trước di ảnh của chồng, bà Y. khóc nức nở, thầm trách mình, giá như ngày ấy không hiến tạng chồng thì bây giờ đâu phải đối mặt với bao lời đàm tiếu.
Nghe bà than thở, anh T. liên tục an ủi mẹ rằng: “Mình làm việc tốt, ai nói ra nói vào thì mình mặc kệ thôi mẹ! Mình sống tốt đâu phải để người ta biết, con, thằng Nghĩa (em trai anh T.) và mẹ hiểu là được rồi, mấy mẹ con mình đùm bọc lẫn nhau mà sống. Con tin cha ở nơi xa cũng thấy ấm lòng về quyết định của mẹ con mình”.
Bao nhiêu lời khuyên, an ủi của anh T. – lúc này đã trở lại Singapore tiếp tục công việc, cũng không làm dịu đi những uất ức của người đàn bà lớn tuổi, làm việc tốt nhưng bị hàm oan. Trong căn nhà hãy còn hương khói trên bàn thờ chồng, nhiều người đến thắp nhang và buông lời cay nghiệt.
Đâu chỉ vậy, khi ra về, họ còn để lại những ánh mắt miệt thị khiến bà Y. ám ảnh, hằng đêm không thể chợp mắt. Đến miếng cơm, bà cũng không tài nào nuốt trôi. Bao nhiêu đau đớn cứ dồn dập suốt một thời gian dài, người đàn bà gần 60 tuổi đã gầy rạc, hốc hác, còn tinh thần thì bất ổn, cam chịu và không muốn tiếp xúc với ai.
Bà trịnh trọng đặt bằng khen và kỷ niệm chương của Bộ Y tế tặng cạnh bên bàn thờ chồng. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Một năm sau, BV Chợ Rẫy TP.HCM tổ chức buổi lễ long trọng trao kỷ niệm chương của Bộ Y tế cho các gia đình hiến tạng. Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu mời bà Y. đến nhận kỷ niệm chương nhưng bà chần chừ, không muốn đi vì sợ phải ra đường, lại phải tiếp tục nhận lại những lời không hay.
Hơn nữa, sau một năm chịu nhiều điều tiếng, sống dở chết dở, bà như dần đã quen trong cái khổ và chấp nhận “sống chung với lũ”, không còn màng đến điều gì. Sau khi nghe bác sĩ Thu thuyết phục về ý nghĩa của bằng khen, kỷ niệm chương là vinh danh, cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của gia đình, bà đồng ý tham dự nhưng cũng chỉ để “coi như thế nào”.
“Chị nhận được kỷ niệm chương vinh danh, chị thấy như thế nào?” - Bác sĩ Thu hỏi bà Y. khi buổi lễ kết thúc.
“Tôi đã thấy nhẹ nhàng hơn!” – Người đàn bà chân chất nói.
Trở về nhà, bà trịnh trọng đặt bằng khen và kỷ niệm chương của Bộ Y tế tặng cạnh bên bàn thờ chồng. Đồng thời, bà chuyển vị trí bàn tiếp khách sang bên đối diện để khi khách ngồi sẽ nhìn thấy bằng khen của chồng.
Lần đầu tiên sau 1 năm trời sống trong không khí đau buồn, bị miệt thị, người đàn bà gầy rạc, hốc hác bật ra những giọt nước mắt hạnh phúc cùng lời tâm sự với người chồng quá cố: “Người ta nói cứu 1 mạng người hơn xây 7 kiểng chùa, anh xây được bao nhiêu kiểng chùa luôn đó. Mẹ con em thương anh, mừng cho anh lắm, vì lúc sống chưa kịp giúp nhiều người thì giờ mất đi, mình đã để lại cho đời nhiều thứ quý giá, cứu được nhiều người”.
Khi được hỏi bà có muốn biết ai là người được chồng cứu không, bà Y. cười nói: "Biết làm chi hả con, mắc công người ta trả ơn, chỉ cần biết anh cứu được nhiều người là mừng lắm rồi". Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Thương nhớ chồng, bà Y. nhớ luôn cả những món ăn mà chồng yêu thích. Ngày giỗ chồng, biết ông N. ngày trước thích món cá bống kho tiêu, bà Y. đi chợ thật sớm chọn những con cá tươi cong về nấu bữa ăn thịnh soạn “chiêu đãi” chồng. Những ngày Tết sắp đến, bà nhớ chồng nhiều hơn. Bởi ngày còn ông N., bà cùng ông sửa soạn cái Tết tươm tất, không có món ngon vật lạ hay trang hoàng nhà cửa cầu kỳ nhưng đầm ấm tình vợ chồng.
Khi được hỏi nếu thời gian quay trở lại, bà có đồng ý hiến tạng chồng cứu người không, người phụ nữ ngoài 60 tuổi cười giòn tan, hiền hậu trả lời:
“Tôi vẫn đồng ý hiến tạng chồng để cứu người. Hồi đó hoạt động hiến tạng còn mới mẻ nên nhiều người nghi ngờ, đồn thổi cay nghiệt. Tôi nghĩ bây giờ xã hội đã hiểu hơn về hoạt động nhân đạo này, mọi người dần ủng hộ và không còn chì chiết các gia đình hiến tạng cứu người nữa”.
Vào năm 2015, những ca bệnh chết não bắt đầu hiến tạng tại BV Chợ Rẫy TP.HCM. Đến tháng 7/2015, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM mới thực hiện ca ghép tạng đầu tiên sau khi Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể ra đời. Thời điểm đó, người dân còn nhiều nghi ngờ về hoạt động hiến tạng cứu người. Hầu hết mọi người đều đồn thổi các gia đình hiến tạng cứu người là bán tạng. Rất may mắn, anh T. (con bà Y.) là một trong những người trẻ có tìm hiểu về hiến tạng nhân đạo. Vậy nên sau khi nghe bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ về quy trình, anh đã khuyên mẹ đồng ý hiến tạng cha để cứu người. Cũng chính anh là người đã an ủi bà Y., cùng mẹ vượt qua bao lời đồn thổi cay nghiệt. Hiện, người dân đã hiểu nhiều hơn về hoạt động hiến tạng cứu người. Đến nay, BV Chợ Rẫy TP.HCM đã nhận được hơn 13 nghìn đơn đăng ký hiến tạng khi qua đời, cho thấy hoạt động này đã lan tỏa mạnh mẽ. Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Chợ Rẫy TP.HCM – Phó Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy TP.HCM |