Ưu điểm của chứng chỉ tiền gửi
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá, thường do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Trên thị trường tài chính, chứng chỉ tiền gửi được đánh giá có nhiều ưu điểm, đủ sức cạnh tranh với hình thức gửi tiết kiệm. Bởi lẽ, mức lãi suất áp dụng cho loại giấy tờ có giá này thường cao hơn so với các loại hình gửi tiết kiệm thông thường khác.
Bên cạnh đó, sản phẩm chứng chỉ tiền gửi được đánh giá phù hợp với các khách hàng có nguồn tài chính nhàn rỗi, ổn định, vừa muốn chọn kênh đầu tư an toàn mà vẫn được hưởng mức lãi suất hấp dẫn.
Do đó, chứng chỉ tiền gửi đã trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả, đem lại lợi ích cho khách hàng và giúp các ngân hàng đáp ứng nhiều mục tiêu chiến lược.
Tại thị trường Việt Nam, nhiều ngân hàng trong nước đã tìm cách gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn thông qua việc thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài với mức lãi suất cao. Mục đích nhằm gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 45% về mức 40% kể từ đầu năm 2019 theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Mặt khác, việc huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi còn giúp cho các ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn (CAR) đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn Basel II sẽ được áp dụng vào năm tới.
Tuy nhiên, do nhu cầu huy động vốn lớn, các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi ngày càng đa dạng với sự tham gia của nhiều ngân hàng. Điều này khiến cho thị trường trở nên sôi động và cũng không kém phần cạnh tranh.
Cuộc đua giữa các ngân hàng
Gần đây, thị trường tiếp tục được “hâm nóng” với sự tham gia của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã CK: SHB).
Cụ thể, ngân hàng này vừa triển khai chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi dành cho các đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với mức lãi suất hấp dẫn lên đến 8,9%/năm. Tổng mệnh giá đợt phát hành lên tới 10.000 tỷ đồng.
Số tiền tham gia tối thiểu từ 1 triệu đồng đối với khách hàng cá nhân và từ 500 triệu đồng đối với các khách hàng doanh nghiệp.
“Chứng chỉ tiền gửi được xem là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Trong khi đó, với điều kiệm tham gia dễ dàng nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng. Thông qua đợt phát hành này, SHB muốn bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn đồng thời mong muốn mang đến cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ tiện ích” - Tổng giám đốc SHB - ông Nguyễn Văn Lê cho biết.
Để gia tăng tính hấp dẫn, SHB cũng khá “linh hoạt” khi cung cấp các giải pháp nhằm cải thiện tính thanh khoản cho các chứng chỉ tiền gửi này.
Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn hệ thống SHB tại Việt Nam với lãi suất cầm cố ưu đãi, bằng lãi suất của chứng chỉ tiền gửi.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể dùng chứng chỉ tiền gửi làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại SHB và các tổ chức tín dụng khác hoặc có thể chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi dưới nhiều hình thức theo quy định pháp luật.
Không chỉ riêng SHB, theo thống kê trên thị trường, một số ngân hàng khác cũng đang triển khai phát hành chứng chỉ tiền gửi với nhiều mức lãi suất và mệnh giá khác nhau.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, tương tự SHB, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đang thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao nhất chỉ ở mức 8,6%/năm (dành cho các khách hàng cá nhân) và mệnh giá tối thiểu lên tới 100 triệu đồng/chứng chỉ.
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng là trường hợp khá tích cực trong việc huy động vốn qua thông qua kênh này. Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất đối với chứng chỉ tiền gửi được BIDV áp dụng chỉ ở quanh mức 7,6%/năm.
Một số ý kiến cho rằng sự khác biệt lớn trong mức lãi suất và mệnh giá tối thiểu được áp dụng của sản phẩm chứng chỉ tiền gửi phụ thuộc vào nhu cầu vốn và khả năng tài chính của từng ngân hàng.
Tuy nhiên, việc áp dụng các mức lãi suất cao vượt trội cho các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cũng phần nào phản ánh sự quyết tâm của các ngân hàng trong việc cạnh tranh thu hút nguồn vốn thông qua loại hình này./.