Ông Trần Nhật Nam - P.TGĐ SHB (bên trái) trao thỏa thuận tài trợ tín dụng với hạn mức 770 tỷ đồng cho ông Nguyễn Chánh Trung – Chủ tịch kiêm CEO CTCP Gạo Hạnh Phúc để triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo tại xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang. |
Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ngã ba của trục kinh tế lớn TPHCM – Cần Thơ – Phnôm Pênh (Campuchia). An Giang có hệ thống giao thông thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ. Điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp An Giang có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với sản lượng lúa và thủy sản nước ngọt nằm trong nhóm các tỉnh cao nhất nước.
Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch của An Giang rất đa dạng và phong phú, với nhiều khu du lịch, di tích được công nhận cấp quốc gia. Trong năm 2018, An Giang thu hút khoảng 8,5 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 16,44% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 100.000 lượt, tăng 33,3% so với cùng kỳ, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.800 tỷ đồng, tăng gần 30%.
Hiện nay, An Giang có lực lượng lao động khá dồi dào; số lượng trong độ tuổi lao động khoảng 1,23 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm gần 57%... An Giang xác định hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là thế mạnh và sẽ quyết tâm biến thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, về nông nghiệp tỉnh sẽ phát triển theo chuỗi giá trị; thực hiện cơ chế tạo quỹ đất linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô tập trung; An Giang sẽ triển khai các chính sách riêng và các gói hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp.
Đối với du lịch sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối 4 khu du lịch trọng điểm là Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi phát triển du lịch, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tại hội nghị này, An Giang đã kết nối thành công 26 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư trên 27.600 tỷ đồng. Đồng thời kết nối cơ hội cho 5 đề xuất cam kết ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 35.500 tỷ đồng và 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 69.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, An Giang tiếp tục mời gọi đầu tư 60 dự án thuộc một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa...
Ngân hàng cam kết đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh An Giang
Tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang đạt khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng.
|
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng của hệ thống Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn đã có 61 TCTD với 352 điểm giao dịch, tổng dư nợ tín dụng đến thời điểm này đạt khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá: “Hầu hết các NHTM lớn của đất nước đã mở chi nhánh, phòng giao dịch ở An Giang. Một số NHTM đã và đang cam kết những khoản tín dụng lớn đầu tư vào địa bàn điều đó cho thấy sự gắn kết của ngân hàng với phát triển kinh tế - xã hội địa phương là rất lớn”.
Tại hội nghị, SHB đã ký kết hợp tác cấp gói tín dụng với hạn mức 770 tỷ đồng để triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đối với Công ty CP Gạo Hạnh Phúc. Đồng thời, SHB sẽ triển khai các chương trình, sản phẩm tài trợ theo chuỗi sản xuất, đặc biệt là các dự án nông nghiệp sạch, dự án xanh; tư vấn kết nối đầu vào đầu ra cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, kết nối với các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức uy tín lớn trong nước và quốc tế.
Tham dự Hội nghị, bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm – dịch vụ, SHB khẳng định cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh An Giang bằng việc đưa ra các gói giải pháp sản phẩm đặc thù, vượt trội và cạnh tranh, khác biệt. SHB sẽ mang đến các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, sản xuất và thương mại dịch vụ ngành thủy sản; nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, du lịch các ưu đãi vượt trội về điều kiện, chi phí cùng thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện.
Đồng thời, SHB triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi khác như tài trợ vốn lưu động “Ưu đãi lãi suất – tiếp sức thành công” với mức lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, triển khai Giải pháp tài trợ chuỗi nông nghiệp trọn gói A-Z: tài trợ trọn gói theo chuỗi giá trị của hoạt động nông nghiệp từ thu mua nguyên liệu – trồng trọt/chăn nuôi – sau sản xuất – tiếp thị - bán hàng…
Tại tỉnh An Giang, SHB đã hiện diện 1 Chi nhánh với 3 PGD tại thành phố Long Xuyên và Châu Đốc. Là một trong những ngân hàng có thị phần cho vay và huy động dẫn đầu tại địa bàn tỉnh, SHB có nền tảng tài chính vững mạnh và sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển của khách hàng.
SHB là một trong những ngân hàng đi đầu trong các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nhiều địa phương, góp phần khơi thông nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước. Trước đó, SHB đã tham gia Hội nghị xúc tiến tại tỉnh Quảng Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam và Tây Nguyên. Với tiềm lực tài chính vững mạnh, uy tín, vị thế của 1 trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, SHB luôn được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng giao trọng trách cùng nhiều địa phương trên cả nước triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực trọng điểm, khẳng định cam kết của SHB luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và các hoạt động cộng đồng, xã hội.