Nhiều ca bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao
Có mặt tại TP Đà Nẵng từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa - Đội Điều trị cùng 30 thành viên đã nỗ lực hết mình để duy trì sự sống cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại địa phương. Tuy nhiên, số bệnh nhân này đều có nhiều bệnh nền nặng và tiên lượng tử vong cao.
“Đà Nẵng có năng lực y tế tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu chung trong điều kiện bình thường. Nhưng ổ dịch xuất hiện đầu tiên ở các khoa có bệnh nhân nặng, bệnh nhân nhiều, lại kèm bệnh nền như: Hồi sức cấp cứu, Nội thận tiết liệu, Nội tổng hợp nên nguy cơ tử vong là rất cao” - Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, tại những khoa này, những người mắc COVID-19 lại là những bệnh nhân vốn đã mắc bệnh rất nặng nên khi có dịch COVID-19 đã làm số lượng bệnh nhân nặng gia tăng nhanh chóng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa giám sát lắp đặt trang thiết bị phòng chống dịch tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. |
Từ bài học kinh nghiệm chống dịch COVID-19 ở Vĩnh Phúc, Bình Thuận, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nhận định: “Ở Vĩnh Phúc, Bình Thuận hầu hết ca nhiễm là những người từ nước ngoài về, người không có bệnh nền nên tỷ lệ ca nặng rất ít so với đợt này. Đợt này số ca nặng rất nhiều và đòi hỏi huy động tổng lực chuyên gia về lĩnh vực hồi sức – cấp cứu mới có thể xử lý được. Đồng thời, cũng phải huy động rất nhiều phương tiện vật tư liên quan đến cấp cứu và hồi sức”.
Tập trung tổng lực cho Đà Nẵng
Để ứng phó với dịch bệnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sớm đánh giá được tình hình, ngay từ đầu, Bộ Y tế đã huy động nhân lực giỏi từ rất nhiều nguồn đến cho Đà Nẵng mới có đủ khả năng cứu chữa những trường hợp bệnh nặng.
“Các bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm được điều đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế và một số nơi khác như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM... Có thể nói đây là lực lượng thuộc loại tinh nhuệ nhất của ngành y tế”- bác sĩ Khoa chia sẻ.
Tuy nhiên, với tình hình thực tế dịch bệnh, Bộ Y tế đã phải vừa phải tập trung lực lượng cứu chữa bệnh nhân, vừa phải đồng thời phải giải tỏa được những bệnh nhân nặng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng nên Đà Nẵng vẫn cần được hỗ trợ và tập trung nguồn lực điều trị COVID-19 lẫn chia sẻ gánh nặng của Bệnh viện Đà Nẵng cho các cơ sở khác.
“Phương án đưa ra đối với bệnh nhân dương tính có mắc COVID-19 nặng là đưa về Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (điều trị tại đơn vị điều trị tích cực mới được thiết lập ở đây) và đưa về Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Chúng tôi giao Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Bạch Mai phụ trách Trung tâm Y tế Hòa Vang. Tại Trung tâm Y tế Hòa Vang cũng thiết lập đơn vị lọc máu để chạy thận cho những người mắc COVID-19 đang suy thận mạn” – bác sĩ Khoa nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa (Bộ Y tế) – Đội trưởng Đội điều trị tại miền Trung
|
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, sau khi tiến hành giảm tải Bệnh viện Đà Nẵng hiện tại bệnh viện chỉ còn dưới 300 bệnh nhân điều trị. Trong số đó không có bệnh nhân nào dương tính với virus SARS-CoV-2 và áp lực tại Bệnh viện Đà Nẵng đã được giảm đi rất nhiều. “Bình thường việc thiết lập những đơn vị như mất rất nhiều thời gian, nhưng trong bối cảnh chống dịch ở đây chỉ trong vòng 1 tuần tất cả những đơn vị này đã hoàn thành. Và đây là những bước chống dịch đạt được dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn”, - bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ.
Được biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều địa phương đã điều động đội ngũ y bác sỹ đến cho viện cho Đà Nẵng nhằm nâng cao năng lực cán bộ y tế tại địa phương để nhanh chóng khống chế được dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.