Bệnh nhân được can thiệp là ca mắc COVID-19 thứ 456 (nữ), 55 tuổi, trú tại địa chỉ K14/18 Hải Phòng, Hải Châu, Đà Nẵng. Bệnh nhân có lịch trình dịch tễ chăm sóc người nhà điều trị tại Khoa Nội tổng hợp tầng 3, Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngày 30/7, bệnh nhân nhập viện Trung ương Huế cơ sở 2 với chẩn đoán mắc COVID-19, suy hô hấp cấp, hội chứng ARDS tiến triển nhanh, tăng huyết áp, huyết khối tĩnh mạch chi dưới (chân trái), tiên lượng bệnh rất nặng.
Đến ngày 4/8, qua thăm khám lâm sàng và làm siêu âm tim và mạch máu, các bác sỹ phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu từ khoeo đến tĩnh mạch chậu ngoài bên trái. Nhận định huyết khối tĩnh mạch (TM) sâu chi dưới có thể lan rộng tới tĩnh mạch chậu và cao hơn.
“Một biến chứng rất nguy hiểm của huyết khối tĩnh mạch đó là tắc động mạch phổi làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt ở bệnh nhân COVID-19 có tổn thương phổi và mắc kèm nhiều bệnh nền như bệnh nhân số 456” – bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế cho hay.
Trước diễn tiến bệnh của bệnh nhân, các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - làm trưởng nhóm, đã phối hợp với các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế hội chẩn gấp và quyết định làm can thiệp đặt filter tĩnh mạch chủ dưới để cấp cứu, phòng ngừa biến chứng tắc mạch phối cho bệnh nhân.
Mặc dù đây không phải là kỹ thuật quá khó, nhưng là thủ thuật lần đầu tiên can thiệp trên bệnh nhân COVID-19 đang có diễn biến nặng, các thiết bị sử dụng làm can thiệp này không có sẵn ở Huế nên nhóm chuyên gia Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội đã điều động thiết bị chuyên dụng và chuyển khẩn cấp từ Hà Nội vào Huế để cấp cứu bệnh nhân.
Đến 13h ngày 5/8, khi các thiết bị đã sẵn sàng, dưới sự phối hợp chỉ đạo của PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu và GS.TS Phạm Như Hiệp, ê kíp can thiệp tim mạch trong trang phục bảo hộ đặc biệt cho phòng chống COVID-19 đã tiến hành can thiệp đặt filter tĩnh mạch chủ dưới thành công cho bệnh nhân sau 45 phút thực hiện.
Ê kíp bác sĩ tiến hành can thiệp đặt filter tĩnh mạch chủ dưới cho bệnh nhân
|
Sau khi thực hiện thành công đặt filter tĩnh mạch chủ, các biến chứng của huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân đã được loại trừ, nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng diễn tiến bệnh nặng và được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19, Bệnh viện Trung ương Huế (Cơ sở 2).
Việc các ê kíp chuyên gia y tế cùng các kỹ thuật can thiệp tiên tiến được điều động đến miền Trung nói chung và Huế nói riêng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 đang mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân. Nhất là cơ hội cho bệnh nhân có tiền sử bệnh nặng trên nền COVID-19.