SCIC muốn mua 10% cổ phần của MB

Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, ông Lê Hữu Đức, xác nhận Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có ý định mua 10% cổ phần của ngân hàng để trở thành cổ đông chiến lược.
SCIC muốn mua 10% cổ phần của MB

Ông Đức cho biết, SCIC và nhiều tổ chức đã quan tâm đến MB và mong muốn sở hữu cổ phần của ngân hàng. Hiện Hội đồng quản trị (HĐQT) của MB đã làm việc với SCIC và đặt ra các yêu cầu đối với việc là cổ đông chiến lược ngân hàng.

Sẽ bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài

Ông Đức cho biết, tiêu chí để trở thành cổ đông chiến lược của MB là hỗ trợ ngân hàng tăng năng lực tài chính, đảm bảo an toàn cho ngân hàng, tăng cường mạng lưới và khách hàng và tăng giá trị gia tăng cho MB.

Cũng tại đại hội, ông Đức cho biết MB sẽ mua lại hoặc sáp nhập TCTD khác để thành lập công ty con nhằm đẩy mạnh lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Cụ thể, MB đang có chủ trương sáp nhập một công ty tài chính để triển khai lĩnh vực kinh doanh mới là tài chính tiêu dùng nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giảm rủi ro và khai thác các tiềm năng phát triển trương tương lai.

Làm rõ thêm về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT MB, cho biết năm nay có nhiều thông tin về M&A của các ngân hàng. Những ngân hàng lớn thường được đề xuất để lựa chọn ngân hàng để tăng quy mô.

“Thời gian qua, MB đã nghiên cứu 2 ngân hàng để sáp nhập, sau khi nghiên cứu thấy có nhiều vấn đề cần phải cân nhắc và thấy việc sáp nhập ngân hàng không phải là phương án tốt nhất. Hiện có nhiều phương thức hiện đại khác để tăng mạng lưới giao dịch và khách hàng, đó là hợp tác với Tập đoàn Viettel.

Còn về vấn đề giá bán cho cổ đông chiến lược, ông Đức cho biết lý do ngân hàng chiết giảm giá bán 25% so với giá thị trường là dựa trên những giá trị khác mà cổ đông chiến lược mang lại. Cụ thể, những giá trị cổ đông chiến lược mang lại cho ngân hàng là lâu dài, không chỉ 1 – 2 năm mà là 5 – 10 năm. Riêng với đối tác chiến lược nước ngoài thì giá bán sẽ đàm phán sao cho giá bán càng cao hơn giá thị trường càng tốt cho ngân hàng.

Dù vậy, nhiều cổ đông cũng băn khoăn về giá trị của cổ đông trong nước và nước ngoài mang lại cho ngân hàng thế nào mà giá bán lại chênh nhau nhiều vậy.

Về vấn đề này, ông Thái cho biết theo tính toán sơ bộ của cổ đông, nếu chiết giảm 25% với giá hiện hành khoảng 13.700 đồng thì giá bán cho cổ đông trong nước là 10.000 – 10.500 đồng/cổ phiếu. Nếu tăng và bán ra bên ngoài bằng giá thị trường thì nhìn thấy ngay khoản chênh lệch 10.000 tỷ đồng sẽ được thu về cho ngân hàng.

“Tuy nhiên, lợi ích của cổ đông chiến lược là rất khó tính toán. Ví như, hiện MB đang hợp tác với cổ đông chiến lược là Viettel thì trong năm 2015 ngân hàng có thêm 2 triệu khách hàng, trong khi mất 20 năm MB mới có 3 triệu khách hàng hiện tại. Do vậy, cổ đông cho phép HĐQT được tự tính toán cho phương án giá, tuy nhiên, không phải cổ đông nào cũng được 25%”, ông Tá cho biết.

Về thắc mắc khóa room cho cổ đông nước ngoài của MB hiện này, ông Tá cũng giải thích là do kế hoạch của ngân hàng muốn tìm kiếm một cổ đông chiến lược nước ngoài để hợp tác lâu dài và dự kiến sẽ bán khoảng 10 – 15%. Nếu MB mở khóa room nước ngoài trên sàn niêm yết, lượng nhà đầu tư nước ngoài trên sàn mua nhiều sẽ ảnh hưởng lượng room bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Giải thích thêm vấn đề này, ông Lê Công, Tổng giám đốc MB, cho rằng việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là theo xu thế hội nhập và tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Trong nhiều năm qua, MB vẫn đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để hợp tác lâu dài, do vậy MB có lộ trình mở room nhưng đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng, tránh việc tổn hại trước mắt và lâu dài cho ngân hàng cũng như cổ đông”, ông Công phân tích.

Không tăng vốn sẽ ngân hàng sẽ khó

Mặc dù kết quả hoạt động năm 2014 của MB rất tốt, nhưng nhiều cổ đông lo lắng về kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng của ngân hàng khó khả thi. Ông Đức cho rằng, năm 2014 đã rất nỗ lực tăng vốn điều lệ lên 15.500 tỷ đồng nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc đặt kế hoạch tăng vốn đã không thuận lợi. Ngoài ra, cơ chế chính sách cũng khó khăn cho việc thực hiện tăng vốn của các ngân hàng, trong đó có MB.

“Dù vậy, năm 2015 vẫn tiếp tục kế hoạch tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng để tăng năng lực tài chính ngân hàng để đưa MB lên top 5 ngân hàng (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV)”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, phương án tăng vốn năm 2015 của MB là có khả thi, kể cả phương án tăng vốn bằng cách bán cổ phần cho SCIC. Ngoài ra HĐQT cũng đã xây dựng giải pháp dự phòng để đảm bảo kế hoạch đề ra.

Giải thích rõ hơn về mục tiêu tăng vốn, ông Lê Công cho biết, MB mong có thể tăng vốn sớm. “Việc tăng vốn có nhiều khó khăn do khó huy động vốn từ cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, năm nay mà chậm tăng vốn thì MB sẽ giảm năng lực cạnh tranh, nhất là khó thực hiện mục tiêu nằm trong top 5 ngân hàng cổ phần hàng đầu”, ông Lê Công bình luận.

Tại đại hội, cổ đông cũng lo lắng về những tác động từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước tới hoạt động của MB như Thông tưu 02, Thông tư 36.

Về vấn đề này, ông Lê Công cho biết, Thông tư 02 là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong việc nâng cao năng lực của các ngân hàng. Thời gian qua, MB đã chuẩn bị cho việc thực hiện tốt thông tư này.

Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước cũng chọn MB làm thí điểm cho việc áp dụng Thông tư 02. Quá trình thực hiện thí điểm cũng đã được tính toán cân nhắc việc thực hiện Thông tư 02.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, thời điểm đưa ra Thông tư 02 và buộc áp dụng ngay thời điểm đó có thể làm một số ngân hàng đang khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09 để thực hiện có lộ trình Thông tư 02. Đến tháng 4/2015, Thông tư 02 được thực hiện đầy đủ và MB cũng đã có thời gian nghiên cứu và thực tính tác động của nó đến hoạt động ngân hàng”, ông Lê Công cho biết thêm.

Còn Thông tư 36 quy định về tỷ lệ hoạt động của ngân hàng được ban hành đã tác động nhiều tới hoạt động của ngân hàng nói chung và MB nói riêng.

Một vấn đề rất mới trong Thông tư 36 đó là quy định trong việc cho vay chứng khoán, bất động sản, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu đã tác động đến hoạt động của MB.

“MB đã tính toán cẩn thận, đầy đủ và đủ năng lực thực hiện Thông tư 36. Ngân hàng cũng đã chỉ đạo việc thực hiện theo quy định của TT 36 đối với những quy định liên quan đến chứng khoán, bất động sản, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu được thực hiện ngay trong quý I/2015”, ông Lê Công cho biết.

Duy có vấn đề tỷ lệ vốn góp của các ngân hàng vào MB, ông Lê Công cho biết, thời quan qua, có một số ngân hàng đã góp vốn vào MB và họ đã hỗ trợ cho ngân hàng hoạt động bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện theo Thông tư 36 có lộ trình, hiện MB đang bàn với Ngân hàng nhà nước để thực hiện thoái vốn có lộ trình.

Nhiều cổ đông cũng tỏ ra lo lắng khi chính sách gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp hết hiệu lực từ 1/4 này sẽ tác động tới nợ xấu của MB. Về vấn đề này, ông Lê Công khẳng định chính sách này hết hiệu lực và tác động rất lớn đến ngân hàng. “MB đã chuẩn bị điều này, chỉ cơ cấu nợ cho những doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi, năng lực doanh nghiệp tốt có thể phục hồi”, ông Lê Công khẳng định.

Ông Lê Công còn nhấn mạnh, mục tiêu của MB là đưa nợ xấu xuống thấp, năm nay thấp hơn năm ngoái. Hiện Ngân hàng  Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp để đưa nợ xấu toàn ngành xuống dưới 3% bằng cách giao chỉ tiêu cho các ngân hàng trích lập dự phòng, bán nợ cho VAMC.

“Ngân hàng Nhà nước quyết liệt như vậy, MB cũng đã có lộ trình. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, thị trường đang có dấu hiệu tốt lên cũng hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nền kinh tế đang trải qua cơn bạo bệnh, sức khỏe chưa thể phục hồi, doanh nghiệp cũng chưa thể phục hồi ngay năng lực của mình nên tốc độ xử lý nợ xấu chưa thể nhanh được. Nhưng MB đặt quyết tâm nợ xấu năm nay thấp hơn năm ngoái”, ông Lê Công nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa khiến cổ đông lo ngại, đó là chỉ số dự nợ/ huy động vốn của MB mới 60%, trong khi của hệ thống là 70 – 80%.

Về vấn đề này, ông Lê Công cho biết tổng dư nợ của MB tăng trưởng rất tốt, tăng trưởng tín dụng trong những năm qua luôn nằm trong top đầu NHTM. Ví như năm 2012 là 27%, 2013 là 27%, năm 2014 là 17%... tăng trưởng như vậy là khá tốt.

“Vấn đề ở chỗ là do uy tín của MB tốt nên tốc độ huy động vốn tăng mạnh hơn cho so với cho vay. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng cao MB cũng chọn lọc khách hàng”, ông Lê Công phân tích.

Theo ông Lê Công, đây không phải vấn đề đáng lo ngại, nếu huy động vốn tốt thì hoạt động sẽ đa dạng hơn và ngân hàng sẽ đẩy mạnh hoạt động phi tín dụng, có nghĩa là hoạt động trên thị trường 2.

“Những năm gần đây, hoạt động trên thị trường 2 khá hiệu quả, chiếm khoảng 40% lợi nhuận ngân hàng. Điều quan trọng, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản, vốn điều lệ, đầu người đang cao nhất thị trường. có nghĩa là lợi nhuận đang tạo lợi nhuận cao nhất cho cổ đông”, ông Lê Công nhấn mạnh. 

Theo Bizlive