Về tổng số nợ xấu, BIDV là ngân hàng "số 1" với 8.562 tỷ đồng.
Trong đó, có 6/9 ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp hơn so với thời điểm đầu năm 2014, 3 ngân hàng còn lại là Vietinbank, MB và Eximbank, tỷ lệ nợ đã rục rịch tăng.
Về quy mô nợ xấu của 9 ngân hàng trong năm 2014, tổng số nợ xấu đã tăng 4,2%, từ 32.503 tỷ đồng lên 33.871 tỷ đồng.
Trong đó về cơ cấu nợ, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh nhất, tăng 2.284 tỷ đồng, chiếm 54,5% tổng số nợ xấu.
Ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất?
Năm 2014, MBBank đã soán ngôi của NCB trở thành ngân hàng đứng đầu danh sách có tỷ lệ nợ xấu với 2,87%, tiếp đó là NCB với 2,51%, Eximbank 2,46%, Vietcombank 2,3%.
Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất là Vietinbank với 1,11% trên tổng dư nợ cho vay.
Xét về tốc độ giảm tỷ lệ nợ xấu, năm qua Ngân hàng NCB đã leo lên vị trí đầu bảng khi giảm số nợ xấu chiếm 6,06% tổng dư nợ xuống còn 2,51%.
SHB cũng gây bất ngờ khi là ngân hàng đứng thứ hai về tốc độ nợ xấu giảm nhanh. Tỷ lệ nợ xấu của SHB trong năm 2014 đã giảm hơn một nửa, từ 4,06% cuối năm 2013 xuống còn 2,02% tại thời điểm 31/12/2014, vì khoản nợ chờ xử lý của Vinashin 1.228 tỷ đồng đã được xóa khỏi bảng nợ xấu trong báo cáo quý IV.
Nợ quá hạn tại nhà băng này cũng giảm đáng kể khi từ 7,13% đầu năm 2014 xuống còn 3,93% tại thời điểm cuối năm.
Sức ép lớn đối với nợ xấu
Theo Thông tư 36, điều kiện của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Rõ ràng tác động của Thông tư 36 sẽ đặt các ngân hàng có nợ xấu quá 3% khỏi lĩnh vực này có thể gây xáo trộn nhất định về nguồn vốn cho hoạt động margin.
Bên cạnh đó, mới đây Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015; nợ xấu bán cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015, nhằm mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm.
Trong khi đó, mối lo ngại nợ xấu sẽ tăng nhanh sau khi Thông tư 02 và Thông tư 09 của NHNN có hiệu lực từ tháng 4 tới.
Như vậy, các "vòng kim cô" lần lượt tỏa ra và các ngân hàng đang đứng trước sức ép rất lớn để đảm bảo nợ xấu về mức an toàn.
Hiện tại, các TCTD vẫn đang tích cực tự xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro cũng như bán nợ, tài sản đảm bảo... Với các giải pháp quyết liệt từ phía cơ quan quản lý và tự thân các TCTD như vậy, có thể tin tưởng rằng nợ xấu sẽ được giảm về dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra?
Theo: BizLive