Cả nhà bất tỉnh vì nhiễm độc khí thải
Sau cơn bão số 9, các BS tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (Hội An, Quảng Nam) cho biết đã tiếp nhận một gia đình gồm 4 người do hàng xóm và người nhà đưa đến cấp cứu. Các bệnh nhân đều có đặc điểm bệnh lý chung là mệt lả, khó thở, buồn nôn và đau đầu dữ dội, đồng thời toàn thân và mặt có dấu hiệu đỏ như “tôm luộc”. Qua khai thác tiền sử bệnh, các bác sĩ kết luận gia đình này ngộ độc khí thải (có chứa CO2 và CO) từ máy phát điện công suất nhỏ đang sử dụng tại gia đình.
Các BS tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương cho biết, những ngày bão số 9 hoành hành dữ dội gây mất điện trên diện rộng, nên gia đình bệnh nhân này đã sử dụng máy phát điện công suất nhỏ để thắp sáng và phục vụ sinh hoạt.
Do trời mưa quá to, lại thiếu dây dẫn điện nên gia đình đã đưa máy phát điện vào gần phòng ngủ để tiện thắp sáng và sinh hoạt. Điều đáng cảnh bảo là ngay cả trong thời gian ban đêm, khi cả gia đình đã chìm sâu vào giấc ngủ thì máy phát điện vẫn tiếp tục hoạt động.
Chỉ đến khi một người nhà ngủ bên ngoài có việc vào phòng trong mới phát hiện những người nằm gần máy phát điện đều có triệu chứng yếu lả, khó thở, có biểu hiện xỉu, suy hô hấp, nên đã hô hoán kêu người đến đưa đi cấp cứu. Rất may cho gia đình bệnh nhân, vì được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện, nên các thành viên đều đã được hồi sức cấp cứu tích cực, dần hồi phục.
Tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đêm 28/10 cũng mất điện trên diện rộng do bão số 9 hoành hành. Một người đàn ông 41 tuổi cùng con trai 7 tuổi và con gái 13 tuổi ở trong nhà đóng kín cửa, chạy máy phát điện cả đêm. Sáng hôm sau, hàng xóm dậy dọn dẹp, không thấy hàng xóm trở dậy nên đã gõ cửa kiểm tra, thì phát hiện ba cha con cùng bị bất tỉnh, lập tức phá cửa xông vào đưa đi cấp cứu ở BV Đa khoa Vĩnh Đức.
BS Nguyễn Bửu Thuyên, BV Đa khoa Vĩnh Đức, cho biết lúc nhập viện cả người bố và con gái đều trong tình trạng lơ mơ, thở yếu, gọi hỏi không có phản xạ; riêng bé trai nguy kịch hơn, bị hôn mê, tiểu tiện đều không còn tự chủ. Sau khi được cấp cứu, thở oxy, truyền dịch hồi sức, người bố và con gái đã tỉnh lại, nhưng bé trai vẫn hôn mê, tình trạng diễn biến nặng.
Các BS tại BV Đa khoa Vĩnh Đức chẩn đoán cả ba bố con đều bị ngộ độc khí thải CO do máy phát điện, quyết định chuyển đến BV tuyến trên điều trị.
Cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí thải máy phát điện (Ảnh: SKĐS) |
Không màu, không mùi, nhưng nhanh chóng gây ngạt
Các BS cảnh báo nghiêm trọng về việc nổ máy phát điện trong môi trường phòng kín là vô cùng nguy hiểm, cũng tương tự với việc đem lò than đốt lên trong phòng kín, sẽ đốt cháy ô xy đồng thời sinh ra khí độc CO - loại khí không màu, không mùi, không gây đau đớn nhưng sẽ nhanh chóng gây ngạt với những người hít phải.
Khi đi vào cơ thể, khí độc CO sẽ nhanh chóng cướp mất ô xy trong máu, khiến nạn nhân nhanh chóng hôn mê, có thể dẫn tới hậu quả xấu nhất là tử vong. Đáng buồn là một số trường hợp cứu được cũng sẽ phải sống thực vật do não bị tổn thương quá nặng nề.
Theo BS Nguyễn Bửu Thuyên, ngạt khí CO là “cái chết không báo trước” vì nạn nhân không có phản xạ cảm thấy ngạt để chạy ra ngoài. Triệu chứng là cảm thấy đau đầu chóng mặt, yếu, buồn nôn, đau ngực và trở nên lú lẫn.
Bác sĩ Lưu Công Sáu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương đưa cảnh báo mạnh mẽ về các trường hợp nhiễm khí độc tương tự khi sử dụng máy phát điện, trước đó đã từng xảy ra.
BS Sáu đặc biệt lưu ý người dân, nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, người dân cần lưu ý bố trí máy biệt lập với khu vực sinh hoạt, tốt nhất là che chắn ở ngoài nhà, trong một góc vườn, hoặc góc nhà riêng biệt để vừa tránh mưa nắng nhưng đồng thời phải thoáng khí và không quá gần với khu vực sinh hoạt của gia đình. Rất không nên đưa cả máy phát điện vào trong nhà, rất dễ dẫn tới tình trạng ngạt thở, nhiễm độc khí thải (có chứa CO2 và CO), nguy hiểm tới tính mạng.