BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy:

Bệnh nhân ngộ độc botulinum trong pate Minh Chay nguy kịch, vẫn phải thở máy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Nhiều bệnh nhân (BN) nhập viện nguy kịch, ngộ độc botulinum trong pate Minh Chay, nam BN đến từ Vũng Tàu đang thở máy, 5 BN trước đó được chuyển viện điều trị tiếp ít nhất 3 tháng nữa chứ không phải đã xuất viện” – BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết.
BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết, nam bệnh nhân đến từ Vũng Tàu vẫn đang thở máy, sinh hiệu ổn, sức cơ vẫn còn yếu, sụp mi mắt hoàn toàn (Ảnh: BVCR)
BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết, nam bệnh nhân đến từ Vũng Tàu vẫn đang thở máy, sinh hiệu ổn, sức cơ vẫn còn yếu, sụp mi mắt hoàn toàn (Ảnh: BVCR)

Tại buổi họp báo công bố báo cáo xử lý vụ việc ngộ độc botulinum có trong pate Minh Chay, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng thà chọn cảnh báo nhầm để phản ứng ngay, vì yếu tố sức khỏe của người dân, người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu thay vì làm “đúng quy trình”. VietTimes có cuộc trao đổi với BS Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy) về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, sức khỏe của bệnh nhân nhiễm độc botulinum có trong pate Minh Chay hiện đang điều trị tại BV Chợ Rẫy đến hôm nay thế nào?

BS Lê Quốc Hùng: Hồ sơ bệnh án ghi lại ngày 25/8, bệnh nhân N.N.D. (54 tuổi, đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu) có sử dụng một lượng lớn pate Minh Chay và chỉ 24 giờ sau bệnh nhân nôn ói, sau đó là hàng loạt triệu chứng nói khó, nuốt khó, sụp mi, yếu tứ chi và được chuyển đến BV Chợ Rẫy ngày 27/8, được xác định ngộ độc botulinum có trong pate Minh Chay.

Nam bệnh nhân N.N.D. hôm nay đã tỉnh nhưng vẫn phải thở máy, sinh hiệu ổn. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sức cơ của bệnh nhân vẫn còn rất yếu, bệnh nhân bị sụp mi mắt hoàn toàn, chưa có bất cứ tiến triển nào khá hơn. Bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi sát sao, tăng cường dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu và phòng ngừa nhiễm trùng...

+ Tiên lượng về tình trạng của BN này thế nào thưa bác sĩ?

BS Lê Quốc Hùng: Không thể nói trước được điều gì. Vì ngộ độc tùy theo BN, có người nhiễm một lượng lớn, người nhiễm ít hơn, và cũng tùy thuộc thể trạng từng người, theo đó, thời gian hồi phục của mỗi người sẽ khác nhau. Hồ sơ bệnh án ghi lại bệnh nhân N.N.D. đã sử dụng một lượng lớn pate Minh Chay.

2 bệnh nhân nguy kịch sau khi ăn pate Minh Chay đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: Duy Tính)
2 bệnh nhân nguy kịch sau khi ăn pate Minh Chay đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: Duy Tính)


+ Thưa bác sĩ, được biết BV Chợ Rẫy đang đề nghị được mua thuốc giải độc
botulinum từ nước ngoài về? Có phải là để xử lý cho trường hợp BN này?

BS Lê Quốc Hùng: Không phải, ngay từ đầu khi xác định được chính xác có nhiều bệnh nhân bị nhiễm độc botulinum, chúng tôi đã đề nghị được mua thuốc giải độc, qua các nguồn từ các quốc gia với nhau, đề nghị với Tổ chức y tế thế giới. Nhưng đến giờ vẫn chưa có thuốc về.

Thuốc giải độc botulinum có tác dụng tốt nhất trong tuần đầu tiên, sau đó, trong liệu trình điều trị, nếu có thuốc thì vẫn có thể sử dụng trong bất cứ thời điểm nào nhưng hiệu quả giảm đi theo thời gian. Hơn nữa, giá thuốc cũng rất đắt, khoảng 8.000 USD (khoảng 160 triệu đồng/lọ).

+ Thưa bác sĩ, về sức khỏe của nhóm 5 bệnh nhân đã được xuất viện rời khỏi Chợ Rẫy thì sao?

BS Lê Quốc Hùng: Không thể nói là 5 người này đã được xuất viện, mà là 5 người này đã ổn định, có chẩn đoán rõ ràng, tuy nhiều người còn chưa được cai máy thở, nhưng đã có phác đồ điều trị và tiến triển cũng khá hơn hơn được chuyển viện về địa phương để tiếp tục điều trị, tập cai máy thở. Phải ít nhất 3 tháng tới, các BN này mới có thể hồi phục.

+ Thưa BS, tại cuộc họp báo công bố thông tin với báo chí, về báo cáo xử lý vụ việc ngộ độc botulinum có trong pate Minh Chay, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng thà chọn cảnh báo nhầm để phản ứng ngay, vì yếu tố sức khỏe của người dân, người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu thay vì làm “đúng quy trình” như hiện nay. Xin BS cho biết quan điểm về việc này?

Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm (ATTP) Phạm Khánh Phong Lan trao đổi tại cuộc họp báo chiều 1/9 (Ảnh: Hòa Bình)
Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan trao đổi tại cuộc họp báo chiều 1/9 (Ảnh: Hòa Bình)


BS Lê Quốc Hùng
: Đó chỉ là quan điểm riêng của bà Phong Lan. Còn tôi không đồng ý việc chấp nhận cảnh báo nhầm. Khoa học không bao giờ cho phép cảnh báo nhầm.

Lúc mới có BN bắt đầu nhập viện, điều quan trọng nhất với các BS là chẩn đoán xác định bệnh lý. Từ thời gian chẩn đoán xác định của các BS ở các tuyến tới lúc Bộ Y tế ra cảnh báo rộng rãi là bao nhiêu ngày?

Hôm 17/7, khi BN đầu tiên nhập viện vì ngộ độc botulinum có trong pate Minh Chay vẫn được chẩn đoán ban đầu là nhược cơ, viêm rễ thần kinh... Hơn nữa, để kết luận chính xác BN bị ngộ độc thực phẩm là không đơn giản. Ngộ độc có nhiều dạng, ngộ độc từ thực phẩm nào, ngộ độc bởi khâu nào?

Khi đã đưa cảnh báo tức là các BS đã có đầy đủ cơ sở để kết luận chẩn đoán xác định BN bị ngộ độc botulinum có trong pate Minh Chay. Điều này còn liên quan nặng nề đến thương hiệu của đơn vị kinh doanh thực phẩm. Vội vàng cảnh báo dẫn tới cảnh báo nhầm sẽ làm hại, gây tổn thương, có thể “giết chết” thương hiệu của một công ty nào đó, thậm chí gây khủng hoảng trong xã hội. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những chuyện này?

Cảnh báo buộc phải lựa chọn, dựa trên cơ sở khoa học, khi đã có chẩn đoán xác định của các BS. Bắt đầu từ thời điểm này thì không được chậm trễ, cần ngay lập tức cảnh báo rộng rãi tới công chúng về việc dừng sử dụng, thu hồi các sản phẩm có thể chứa chất độc botulinum, có thể gây liệt, thậm chí có thể tử vong.

+ Xin cảm ơn bác sĩ!