Số liệu trên được đề cập trong báo cáo của S&P Global về PMI ngành hàng sản xuất Việt Nam – một chỉ số quan trọng để đo lường sức khoẻ của nền kinh tế, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế – phát hành vào sáng nay (1/8).
Cụ thể, S&P Global cho biết ngành hàng sản xuất của Việt Nam trong tháng 7 vẫn nằm trong vùng suy giảm, nhưng đã có những dấu hiệu của sự ổn định. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm chậm hơn, trong khi niềm tin kinh doanh đã tăng.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh suy giảm dẫn đến hàng tồn kho sản phẩm chưa bán và hàng hóa đầu vào chưa sử dụng tăng trong tháng 7. Trong khi đó, giá cả tiếp tục giảm và thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn.
Theo S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 7 đã tăng nhẹ từ mức 46,2 điểm (tháng 6) lên 48,7 điểm. Kết quả này cho thấy các điều kiện hoạt động đã suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp, song là mức giảm thấp nhất kể từ tháng 3/2023.
S&P Global đánh giá, xu hướng của chỉ số toàn phần phù hợp với một số chỉ số trong tháng 7, với tốc độ giảm sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều ở mức yếu nhất trong 5 tháng qua.
Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới chỉ giảm nhẹ trong tháng 7 khi có các dấu hiệu cho thấy nhu cầu ổn định, song các nhà sản xuất cho biết nhu cầu nhìn chung vẫn yếu, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu.
Số lượng đơn đặt hàng mới giảm khiến sản lượng của các công ty giảm. Lượng công việc tồn đọng cũng tiếp tục giảm trong tháng 7 và tốc độ giảm tăng lên so với tháng 6.
Không chỉ vậy, nhu cầu yếu còn góp phần làm tăng lượng hàng tồn kho. Hàng tồn kho thành phẩm tăng lần đầu trong 3 tháng, trong khi tồn kho hàng hóa đầu vào tăng lần đầu tiên trong 1 năm trở lại.
Ở hướng ngược lại, chi phí đầu vào giảm tháng thứ 3 liên tiếp khi các nhà cung cấp sẵn sàng giảm giá trong bối cảnh nhu cầu yếu. Từ đó, các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm giá bán hàng trong nỗ lực thúc đẩy nhu cầu, và mức giảm lớn hơn so với chi phí đầu vào.
Cùng với đó, niềm tin kinh doanh đã tăng lên mức cao nhất 4 tháng, nhưng vẫn tương đối thấp. Các công ty kỳ vọng nhu cầu khách hàng khi phục hồi sẽ khiến sản lượng tăng trở lại, nhưng vẫn còn lo ngại về những khó khăn hiện nay trong việc tìm kiếm đơn đặt hàng mới.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: "Ngành sản xuất Việt Nam vẫn chịu áp lực trong tháng 7 khi các công ty tiếp tục khó kiếm được đơn đặt hàng mới và đã phải giảm sản lượng tương ứng. Một điểm tích cực hơn là, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể ổn định khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong thời gian năm tháng. Các công ty sẽ hy vọng điều này có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới".
Chỉ số nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers’ Index (PMI) - là số bình quân gia quyền của 5 chỉ số: Đơn đặt hàng mới (30%), sản lượng (25%), việc làm (20%), thời gian giao hàng của nhà cung cấp (15%) và tồn kho hàng mua (10%).
PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global được thu thập từ phần trả lời cho các câu hỏi gửi cho các nhà quản trị mua hàng trong một nhóm gồm khoảng 400 nhà sản xuất. Các nhóm khảo sát được phân chia theo lĩnh vực và quy mô lao động của công ty, dựa trên đóng góp vào GDP./.