Trong tháng 2/2023, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã ghi nhận tốc độ phục hồi theo tháng cao nhất trong hơn một thập kỷ, khi các xưởng sản xuất của họ mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, tạo trợ lực cho đà phục hồi kinh tế vốn dựa vào dịch vụ và bán lẻ, theo Bloomberg.
Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng từ 50,1 điểm trong tháng 1 lên 52,6 điểm trong tháng 2/2023, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Con số này vượt qua mức dự báo 50,6 điểm mà Bloomberg đưa ra trước đó. Đáng chú ý, đây cũng là con số cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Chỉ số phi sản xuất – đo lường các hoạt động ở cả lĩnh vực dịch vụ và xây dựng – tăng từ 54,4 lên 56,3, cao hơn so với con số dự báo là 54,9 điểm.
Chỉ số PMI trên 50 điểm có nghĩa rằng hoạt động đã được cải thiện so với tháng trước, trong khi dưới 50 điểm là bị suy giảm.
Chỉ số PMI của Trung Quốc tăng đến mức cao nhất kể từ tháng 4/2012 (Ảnh: Bloomberg) |
Dữ liệu trong tháng 2 cho thấy bức tranh hoàn thiện nhất về nền kinh tế Trung Quốc đang dần lấy lại đà phục hồi, khi nhiều người trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ dài và đợt bùng phát dịch COVID-19 đã qua đi.
Chính phủ Trung Quốc cho biết, COVID-19 “về cơ bản là đã qua” đã tạo động lực cho du lịch và chi tiêu, trong khi các lệnh hạn chế do dịch đã được gỡ bỏ.
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong tháng 2 nhờ vào sự tăng tốc các hoạt động và nối lại sản xuất khi tác động của COVID-19 biến mất, Zhao Qinghe, chuyên gia thống kê đến từ NBS, nhận định. Các biện pháp được áp dụng nhằm ổn định đà tăng trưởng cũng bắt đầu có hiệu quả, theo ông Zhao.
Theo dữ liệu mới được công bố, PMI sản lượng sản xuất của Trung Quốc đã tăng từ 49,8 lên 56,7 điểm trong tháng 2. Số lượng đơn hàng mới tăng lên 54,1 điểm, cao nhất kể từ tháng 9/2017.
Một chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu mới đạt 52,4 điểm, cao nhất kể từ tháng 3/2011. Chỉ số đo số lần phân phối của các bên cung ứng đạt 52 điểm, trở lại xu hướng tăng lần đầu tiên kể từ tháng 7 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2007.
Chỉ số về tỷ lệ việc làm trong ngành sản xuất tăng lên 50,2 điểm, lần đầu tiên tăng trong 2 năm.
CSI 300, chỉ số chứng khoán của Trung Quốc, đã tăng 0,3% sau khi dữ liệu PMI mới được công bố. Đồng NDT ở nước ngoài tăng giá 0,2%, còn ở trong nước giữ nguyên. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 2,91%.
Một số chỉ số đo lường cũng đã cho thấy những tín hiệu về sự phục hồi, khi sự nhộn nhịp đã trở lại trên các tuyến đường ở các thành phố lớn, hoạt động của các tuyến tàu điện ngầm đã trở lại mức độ tiền đại dịch, trong khi chi tiêu tại các nhà hàng và siêu thị tăng.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vẫn không đều. Trong khi lĩnh vực dịch vụ chứng kiến mức tăng đột biến trong tháng 1, thì hoạt động mua sắm những thứ đắt tiền như nhà ở và xe hơi vẫn còn yếu. Sản lượng của các nhà máy cũng chậm lại, do kỳ nghỉ lễ kéo dài. Xuất khẩu chậm cùng với nhu cầu công nghiệp trong nước không phục hồi cũng làm suy giảm hoạt động sản xuất.
Trung Quốc đã cam kết ưu tiên cho đà tăng trưởng kinh tế trong năm nay, trong đó nhu cầu trong nước sẽ là động lực chính làm tăng đà phục hồi.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong báo cáo tài chính mới nhất nói rằng họ sẽ cung cấp sự hỗ trợ “bền vững” để nền kinh tế thực và tránh việc tung ra những gói kích thích “tràn ngập”./.
Có khoản tiết kiệm khổng lồ, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thắt chặt chi tiêu hậu đại dịch
Cơ hội 'vàng' để Việt Nam và loạt nước nhóm Altasia đón 'đại bàng' dịch chuyển khỏi Trung Quốc
Trung Quốc phục hồi đáng kinh ngạc: Cơ hội và rủi ro cho kinh tế toàn cầu ra sao?
Theo Bloomberg
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu