Phương Tây cáo buộc Nga tấn công mạng toàn cầu

VietTimes -- Tính đến tháng 09.2018, các phương tiện truyền thông phương Tây và cơ quan hữu quan liên tục lên án những hoạt động hacking, cáo buộc hacker Nga can thiệp vào nội bộ quốc gia khác. Những tuyên bố liên tục về hacking trở thành một trong những chủ đề quan trọng phương tiện truyền thông Mỹ và EU.

Trên toàn bộ các phương tiện truyền thông mạng xã hội Mỹ và châu Âu liên tục diễn ra các thông báo về những nhóm hacker, làm việc cho chính phủ Nga đang xâm nhập vào các máy chủ của các cơ quan chính phủ, nhà nước, các tổ chức xã hội và quốc tế. Không có một bằng chứng cụ thể nào đưa ra để chứng minh các nhóm hacker đã xâm nhập hoặc có mối liên hệ trực tiếp nào với điện Kremlin, nhưng các nhà phân tích tình hình mạng cho rằng, Mỹ và đồng minh đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mạng trên toàn cầu, nhằm vào các quốc gia thù địch hoặc có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và EU.

Truyền thông phương Tây buộc tội Nga tấn công mạng kể từ năm 2016, cái gọi là sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và thất bại của đảng Dân chủ Mỹ. Những cáo buộc này có liên quan đến những tuyên bố khác, nghiêm trọng hơn như cuộc chiến hóa học ở Syria, doping tại Nga hoặc vụ đầu độc Skripal ở Anh.

Ngày 21.09.2018, Vương quốc Anh cho biết sẽ chi 250 triệu bảng để tổ chức, xây dựng lực lượng tác chiến mạng thực hiện các cuộc tấn công, không chỉ đơn giản là phòng thủ nhắm mục tiêu là "các mối đe dọa Nga và các nhóm khủng bố." Lực lượng bao gồm khoảng 1.000 thành viên tác chiến mạng.

Nhiều thông tin trong tháng 09.2018 tuyên bố rằng, sẽ có khoảng 2.000 chiến binh kỹ thuật số, đều là chuyên gia công nghệ thông tin được tuyển dụng từ quân đội, lực lượng an ninh và kỹ thuật mạng. Thực tế, điều này sẽ làm gấp bốn lần số lượng chiến binh trong vai trò tấn công mạng, đánh dấu một sự phát triển mạnh trong khả năng phá hoại các kết nối, phá hủy các mạng máy tính các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, hệ thống thiết bị kết nối internet quốc gia.

Các phương tiện truyền thông Anh tung ra một làn sóng cáo buộc và lên án “sự xâm lược của Nga” nhằm một mục đích cơ bản, biện minh cho các hành động tấn công của lực lượng tác chiến không gian mạng mới của Anh. Mặc dù không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào trong những tuyên bố, được đăng tải trên truyền thông. Lực lượng chiến binh mạng có thể được sử dụng nhằm mục đích ngăn chặn "sự tuyên truyền của Nga", tức là tấn công vào các phương tiện truyền thông phi truyền thống.

Gần đây, vào ngày 3.10, Katie Wheelbarger, phó thư ký quốc phòng phụ trách an ninh quốc tế Nhà Trắng, cho biết Mỹ trao lại quyền tiến hành tấn công và phòng thủ mạng cho các quốc gia NATO, nhưng Mỹ tiếp tục duy trì quyền kiểm soát nhân viên và tiềm lực công nghệ thông tin của mình. Động thái này cho thấy Mỹ đã ủy quyền cho các quốc gia NATO tiến hành các cuộc chiến chống lại  Nga vì nguyên nhân điện Kremlin “liên tục đẩy các hoạt động tấn công thông tin và mạng máy tính cộng đồng cũng như nhà nước.”

Ngày 04.10.2018, Hà Lan cáo buộc Nga đứng đằng sau kế hoạch tấn công Tổ chức Cấm sử dụng vũ khí hóa học (OPCW), khi tổ chức này điều tra nghiên cứu vụ tấn công bằng chất độc thần kinh vào cha con điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal. 4 người Nga đến Hà Lan ngày 10.04.2018 và bị lực lượng an ninh Hà Lan bắt ba ngày sau đó với thiết bị, được cho là sẽ sử dụng với mục đích phát hiện gián điệp tại một khách sạn gần trung tâm trụ sở OPCW. Ngay lập tức những người này bị trục xuất về Nga.

Các quan chức EU tuyên bố, cho rằng "hành động cực đoan của Nga minh chứng minh cho sự coi thường sứ mệnh quan trọng" của OPCW. Australia, New Zealand và Canada là các quốc gia đưa ra những tuyên bố có tính cáo buộc mạnh, ủng hộ những tuyên bố lên án mạnh mẽ của đồng minh.

Cùng ngày, đại diện chính quyền Vương quốc Anh cáo buộc lực lượng tình báo Nga GRU hậu thuẫn cho 4 vụ tấn công mạng cấp cao, trong đó có các công ty ở Nga và Ukraine, trụ sở đảng Dân chủ Mỹ, một mạng lưới truyền hình nhỏ ở Anh. Anh cũng cho biết GRU có hậu thuẫn cho một loạt các nhóm tin tặc như APT 28, Fancy Bear, Sofacy, Pawnstorm, Sednit, CyberCaliphate, Cyber Berkut và Voodoo Bear...

Chính phủ Canada tuyên bố với "sự tự tin cao độ", cáo buộc cơ quan tình báo Nga đã xâm nhập vào hệ thống mạng máy tính của Trung tâm đạo đức thể thao và Cơ quan chống Doping Thế giới, có trụ sở tại Montreal.

Ngày 04.10.2018, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, không đưa ra bất cứ một bằng chứng gì cụ thể nào nhưng tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công vào tổ chức Cấm sử dụng vũ khí hóa học OPCW của Liên Hiệp Quốc.

Ông cũng thông báo rằng Mỹ đang chuẩn bị thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ an ninh mạng cho các đồng minh NATO. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết có đủ bằng chứng cho thấy những cáo buộc về việc hacking của Nga là hoàn toàn đúng sự thật nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

Mỹ đã tuyên bố truy tố 7 điệp viên Nga, bị cáo buộc về tội xâm nhập không gian mạng, gây rò rỉ dữ liệu thử nghiệm ma túy vận động viên Olympic, trong một động thái, gọi là làm suy yếu các nỗ lực chống lại việc sử dụng doping của các vận động viên Nga.

Một điều thú vị là Cơ quan chống doping Thế giới yêu cầu khôi phục cơ quan chống doping của Nga, bất chấp những cáo buộc từ phương Tây cho rằng tổ chức này đã giúp các vận động viên Nga lừa dối khi sử dụng doping. Ngày 20.09.2018, Ban quản lý và điều hành WADA chính thức khôi phục lại vị thế của RUSADA, do các cáo buộc về sử dụng doping không có bất cứ bằng chứng thực tế nào.

Ba trong số những điệp viên bị Mỹ truy tố trong cuộc điều tra thì lại liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ.

Những cáo buộc nay hoàn toàn không có một chứng cứ cụ thể nào để chứng minh, tất nhiên vẫn được sử dụng làm nguyên nhân để tiến hành thêm những biện pháp trừng phạt đối với Nga và tăng áp lực lên tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của quốc gia này. Nhưng những cáo buộc này sẽ được sử dụng để biện minh cho việc tiến hành các cuộc tấn công mạng Internet để chống lại “chiến dịch tuyên truyền của Nga” ở Mỹ và EU khi đối mặt với các phương tiện truyền thông phi truyền thống. Trong tình huống này, Nga sẽ phải đáp trả bằng các giải pháp an ninh mạng, từ đó truyền thông phương Tây càng có thêm nhiều tuyên bố về "xâm lăng Nga".

Tình huống tấn công không gian mạng sẽ kích động các nhóm hacker thế giới có thể sẽ phản kích lại các nhóm tác chiến mạng, hình thành một cuộc chiến không gian mạng phi truyền thống, gây ra căng thẳng ngoại giao và quân sự giữa châu Âu và Nga. Đây chính là mục tiêu mà Mỹ muốn đạt được.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa sáu cường quốc và Iran, rút khỏi Hiệp ước chống biến đổi khí hậu toàn cầu, rời bỏ cơ quan văn hóa LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ và đe dọa các đồng minh quân sự thuộc khối NATO rằng Hoa Kỳ sẽ “đi theo con đường riêng của mình” nếu các thành viên không chi ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng.

Điều này sẽ khiến một số đồng minh NATO bắt đầu xa lánh các thành viên EU, như Thổ Nhĩ Kỳ và Canada và khiến NATO lung lay. Đây chính là một trong những phương thức tạo ra một kẻ thù chung, khiến các quốc gia còn lại sẽ nắm chặt tay nhau để chống lại kẻ thù chung, buộc các quốc gia NATO phải gắn kết hơn nữa.

Tình huống máy bay F-35 là một trong những công cụ mang lại lợi ích cho Nhà Trắng và các tập đoàn quốc phòng Mỹ. Những sự kiện liên tiếp được nêu khiến EU và các nước khác buộc phải gắn chặt hơn với Mỹ, có nghĩa là sẽ phải mua F-35. Trên thực tế, các nước châu Âu không đánh nhau với ai, việc mua sắm F-35 có nghĩa là đóng tiền bảo kê cho Mỹ.