Ngày 9/10, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) đã được Công ty Euler Hermes (cơ quan Tín dụng xuất khẩu thuộc Chính phủ Đức) thực hiện bảo lãnh khoản vay có giá trị lên tới 950 triệu USD nhằm nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất.
Được biết, đây là giao dịch đầu tiên được Euler Hermes bảo lãnh cho một công ty tư nhân tại Việt Nam.
Gói tài chính trị giá 950 triệu USD có lãi suất thấp, thời hạn lên tới 12 năm, nhằm hỗ trợ VinFast nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ chính của CHLB Đức.
Giao dịch do Ngân hàng Đầu tư & Thị trường vốn châu Á – Thái Bình Dương (Credit Suisse AG) và Ngân hàng Hong Kong - Thượng Hải (HSBC) đồng thu xếp và đồng giữ sổ đối với khoản tài trợ vốn vay này
Với số lượng đối tác tham gia đông đảo (bao gồm 9 nhà cung cấp); quy mô vốn lên tới gần 1 tỷ USD; thời hạn vay dài (12 năm) và triển khai thu xếp trong thời gian rất ngắn – giao dịch đã trở thành một thương vụ kỷ lục, mang tính bước ngoặt, khẳng định uy tín của VinFast nói riêng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup (Vingroup – Mã CK: VIC) nói chung trên thị trường vốn quốc tế.
Nhận định về hoạt động tài chính này của VinFast, chuyên gia kiểm toán Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, đánh giá rằng đây chính là hình thức "xuất khẩu tín dụng" mà rất nhiều ngân hàng xuất khẩu của các quốc gia phát triển đã và đang làm.
“Các gói tín dụng luôn đi kèm với xuất khẩu thiết bị. Và như thế luôn có giá cho vay và giá bán thiết bị. Các “deal” xuất khẩu tín dụng như thế này có thể tái cấu trúc giữa các loại giá sao cho phù hợp nhất, kể cả việc công bố thông tin ra đại chúng” – ông Long bình luận.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam (Nguồn: Internet)
|
Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm về vai trò của các trung gian tài chính liên quan khi tham gia hoạt động này: “Các ngân hàng xuất khẩu tín dụng như US Eximbank tại Mỹ, hay Euler Hermes tại Đức nêu trên sẽ đứng ra bảo lãnh và chịu một phần rủi ro tín dụng, trong khi các ngân hàng thương mại hay ngân hàng đầu tư như Credit Suisse AG và HSBC sẽ thu xếp khoản vay”.
Đánh giá về loại hình xuất khẩu tín dụng kèm thiết bị này, ông Long cho rằng đây là hình thức sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho bên cho vay.
“Bởi vì Vingroup là tổ chức lớn, chứ đối với các công ty nhỏ hơn trong nước, thì khi tiếp cận đến nguồn tín dụng này thì bao giờ cũng phải có thêm ngân hàng trong nước (local bank) tham gia bảo lãnh hoặc “onlending”. Tất nhiên ngân hàng trong nước chịu một phần rủi ro tín dụng và hưởng một phần phí và lãi.” – ông Long phân tích.
Cũng cần lưu ý, VinFast đã ký kết nhiều hợp đồng hợp tác cùng với các tên tuổi hàng đầu nhằm cho ra đời những chiếc xe với “Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kỹ thuật Đức – Tiêu chuẩn Quốc tế” nên sẽ không thể thiếu các đại diện đến từ nước Đức.
Nổi bật trong số đó có thể nhắc đến là thương hiệu Bosch trong lĩnh vực sản xuất ô tô – xe máy điện và linh phụ kiện hay hãng xe BMW với thương hiệu ô tô nổi tiếng thế giới (tháng 1/2018, VinFast chính thức kí hợp đồng mua lại quyền sở hữu trí tuệ từ BMW). Ngoài ra, VinFast cũng ký kết hợp đồng hợp tác với Hiệp hội các Phòng thương mại và Công nghiệp Đức (AHK) tại Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo.
Hiện nay, Chính phủ Đức cũng có phát triển một số chương trình hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp Đức ở nước ngoài thông qua các hình thức xúc tiến đầu tư và ngoại thương, qua đó duy trì khả năng cạnh tranh, ổn định việc làm và thúc đẩy xuất khẩu.
Trước đó, vào tháng 07 năm 2018, VinFast cũng đã hoàn thành việc phân phối khoản vay thương mại hợp vốn có trị giá 400 triệu USD, do bốn ngân hàng nước ngoài đồng thu xếp và tài trợ. Giao dịch này nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 10 ngân hàng châu Á và châu Âu./.