Phát hiện nguyên nhân khiến 2 trẻ ở Sóc Sơn liên tiếp mắc Whitmore rồi tử vong

VietTimes -- Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu về trường hợp của gia đình ông Trần Văn C. có 3 người con lần lượt tử vong chỉ trong 7 tháng, hai trong số đó dương tính với Whimore, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có câu trả lời.
Bệnh Whitmore lây sang cơ thể người qua những vết xước, vết thương trên da khi tiếp xúc với đất có chứa vi khuẩn gây bệnh (Ảnh minh họa)
Bệnh Whitmore lây sang cơ thể người qua những vết xước, vết thương trên da khi tiếp xúc với đất có chứa vi khuẩn gây bệnh (Ảnh minh họa)

Họ đã lấy mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao của hộ gia đình, sau đó phát hiện một mẫu đất sinh hoạt của gia đình có chứa vi khuẩn gây bệnh Whitmore ở độ sâu dưới 90 cm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại trong đất, bùn, chỗ ngập nước, bụi ở một số vùng nhất định.

“Chúng xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiếp xúc tại chỗ bị tổn thương, vết thương trên cơ thể. Một số trường hợp mắc bệnh qua việc hít phải bùn, nước, đất bẩn khi bị ngã” - PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung cho biết.

Bệnh dễ lây nhiễm vào cơ thể khi có những điều kiện thuận lợi, ví dụ khi cơ thể có tổn thương, xây sát, hít phải bùn, đất, bộ phận cơ thể tiếp xúc với môi trường có vi khuẩn mà không được bảo vệ hay da bị tổn thương, hoặc ở những người có cơ địa bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch...

Giữa tháng 11/2019, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có một báo cáo kết quả điều tra ca bệnh. Trong đó, Trung tâm cho biết gia đình ông C. có 3 người con lần lượt là Trần Quỳnh T. (sinh năm 2012), Trần Công V. (sinh năm 2014) và Trần Quang H. (sinh năm 2018). Bé T. mất hồi tháng 4/2019 do bị nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột, còn bé V. và bé H. đều tử vong do mắc bệnh Whitmore.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung khuyến cáo, người dân và trẻ nhỏ cần tự trang bị các biện pháp bảo hộ, ví dụ: đi giầy, dép, đeo găng tay, đi ủng, không để bộ phận cơ thể bị xây sát tiếp xúc trực tiếp với các môi trường tiềm ẩn vi khuẩn Whitmore, ví dụ: đất, cống, chỗ ngập nước… Đồng thời, cần vệ sinh tay, chân sau khi lao động hoặc tiếp xúc với nguồn lây bệnh; nâng cao thể trạng, đi khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Nếu có các biểu hiện như sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, các tổn thương da, cơ quan bộ phận khác, người dân nên đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị.