Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn về trường hợp của gia đình ông C.
|
Theo báo cáo kết quả điều tra ca bệnh mới nhất của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, ông C. có 3 người con lần lượt là Trần Quỳnh T. (sinh năm 2012), Trần Công V. (sinh năm 2014) và Trần Quang H. (sinh năm 2018). Bé T. mất hồi tháng 4/2019 do bị nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.
Đáng chú ý, bé V. tử vong do mắc bệnh Whitmore nhưng gia đình không biết nên đã cho bé ở nhà 1 ngày trong tình trạng sốt 38,5 độ C, đau bụng. Chỉ tới khi thấy con trai không hạ sốt được, gia đình mới đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị, song, 2 ngày sau đó, bé V. đã tử vong tại viện vào ngày 31/10.
Sau đó, bé H. cũng nhập viện vì mắc căn bệnh Whitmore và không qua khỏi, tử vong ngày 16/11.
Trả lời báo chí chiều 18/11, bác sĩ Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận đã điều trị cho 2 bệnh nhi và cho biết thêm, cả 2 bé đều có diễn biến bệnh nhanh, bị sốc nhiễm khuẩn rồi tử vong.
Bác sĩ Trần Minh Điển chia sẻ: “Cách đây 5 ngày, trẻ thứ 3 mắc Whitmore tại Sóc Sơn cũng đã nhập viện trong tình trạng bệnh nhẹ, sốt. Chúng tôi đã cho cấy máu và sử dụng kháng sinh ở mức độ nặng. 3 ngày đầu, cháu có đáp ứng với kháng sinh và có xu hướng hạ sốt nhưng sau đó sốt trở lại và bị sốc, có tình trạng xuất huyết kèm theo”.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại trong đất, dễ lây nhiễm vào cơ thể thông qua các vết xước, tổn thương da.
|
Trước tình trạng này, các chuyên gia đã liên hệ tới Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để phối hợp điều tra dịch tễ, xem xét đặc tính những người trong gia đình nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời nguy cơ về dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia không phát hiện điều gì bất thường: Ông bà nội của các bệnh nhi tuy đã có tuổi nhưng đều khỏe mạnh, không có biểu hiện nghi mắc Whitmore; bố mẹ của bệnh nhi đều là công nhân và có sức khỏe bình thường, không mắc bệnh; 3 trẻ đã tử vong không có biểu hiện suy giảm miễn dịch hoặc có vấn đề bất thường về sức khỏe.
Cơ quan chức năng địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nghi mắc bệnh tương tự.
Trước tình trạng bệnh Whitmore diễn biến phức tạp, gây tử vong ở trẻ, bác sĩ Trần Minh Điển cảnh báo, vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập vào cơ thể qua các vết xây xước, hô hấp, ăn uống. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, các gia đình và trẻ nhỏ đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, đồng thời, tự trang bị kiến thức cơ bản về phòng ngừa bệnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Trần Minh Điển khuyên người dân nên chủ động tiệt trùng nguồn nước để đảm bảo không nhiễm vi khuẩn gây bệnh, phải biết cách vệ sinh, ăn chín uống sôi, tắm nước thì nước đó phải tiệt trùng. Nếu vùng đó không có nước tiệt trùng thì người dân cần xét nghiệm xem nước có đảm bảo hay không.
Trong trường hợp có tổn thương da, mũi miệng, người dân phải sát trùng để giảm bớt vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.