Không phải “bệnh ăn thịt người”
+ Những triệu chứng của bệnh Whitmore khiến cho căn bệnh này bị gắn tên là “bệnh ăn thịt người”. Tuy nhiên, điều này khiến cho Whitmore càng trở nên đáng sợ hơn trong mắt người dân. Vậy, nên hiểu như thế nào cho đúng về bệnh Whitmore và vi khuẩn gây ra bệnh này, thưa ông?
-- Nhiều tài liệu ghi “bệnh Whitmore”, đặt theo tên nhà khoa học người Anh Alfred Whitmore phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, tên chính xác của bệnh là Melioidosis, do vi khuẩn có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei gây ra.
Melioidosis không phải là bệnh mới hay bệnh hiếm gặp, vì bệnh đã được mô tả ở Việt Nam từ những năm 1920 - 1930. Các bác sĩ nói chung và bác sĩ truyền nhiễm nói riêng cũng không xa lạ với Melioidosis.
Những triệu chứng của bệnh không khó phát hiện, song, do Melioidosis có những triệu chứng giống với các bệnh khác, nên dễ chẩn đoán nhầm. Vì vậy, để chẩn đoán và chữa trị đúng bệnh, bác sĩ phải khám cẩn thận, thăm hỏi và có những xét nghiệm vi sinh đặc thù.
Không nên gọi bệnh Melioidosis là “bệnh/vi khuẩn ăn thịt người”, vì sẽ gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Bởi tình trạng bệnh nặng nhất, có tổn thương nặng và khó điều trị hơn chỉ xảy ra đối với một số người bị suy giảm miễn dịch hoặc có cơ địa đặc biệt, ví dụ có bệnh mạn tính, bệnh phổi, thận, da...
PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung – Trưởng Bộ môn Vi sinh - Ký sinh trùng lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
|
+ Có phải bệnh Melioidosis rất nặng và trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%, thưa ông?
-- Bệnh có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau trên cơ thể. Một số trường hợp nặng, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Tuy nhiên, tỷ lệ nặng và tử vong phụ thuộc nhiều yếu tố như cơ địa, việc chẩn đoán, điều trị có kịp thời, hợp lý hay không.
Vì vậy, khi mắc bệnh, người dân không nên quá lo lắng, hay có tâm lý hoang mang, sợ hãi.
Là bệnh truyền nhiễm nhưng không dễ mắc
+ Vậy, bệnh Melioidosis có dễ mắc hoặc dễ lây nhiễm không? Điều kiện để bị nhiễm vi khuẩn rồi mắc bệnh là gì?
- Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, song so với nhiều bệnh nhiễm trùng khác, Melioidosis không phải là bệnh dễ mắc, dễ lây nhiễm.
Tuy nhiên, trong những điều kiện thuận lợi ví dụ khi cơ thể có tổn thương, sây sát, hít phải bùn, đất, bộ phận cơ thể tiếp xúc với môi trường có vi khuẩn mà không được bảo vệ hay da bị tổn thương, hoặc ở những người có cơ địa bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch... sẽ dễ bị nhiễm vi khuẩn và mắc bệnh hơn.
Đối với một cơ thể khỏe mạnh, khi làm việc, tiếp xúc với môi trường đất, nước, bùn có vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, nhưng có các điều kiện bảo hộ lao động phù hợp, người đó vẫn không bị nhiễm vi khuẩn, không mắc bệnh.
+ Vi khuẩn gây bệnh sinh sống ở đâu và chúng đi vào cơ thể người thông qua con đường nào, thưa ông?
-- Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong đất, bùn, chỗ ngập nước, bụi ở một số vùng nhất định. Chúng xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiếp xúc tại chỗ bị tổn thương, vết thương trên cơ thể. Một số trường hợp mắc bệnh qua việc hít phải bùn, nước, đất bẩn khi bị ngã.
+ Ông có thế cho biết các triệu chứng nhận biết khi bị nhiễm vi khuẩn trên?
-- Khi nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, người bệnh sẽ bị sốt, mệt mỏi, ớn lạnh (đây là biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn thông thường). Đồng thời, có các các triệu chứng kèm theo tại một số cơ quan khác, gồm: tổn thương da, áp xe, sưng tuyến nước bọt mang tai, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, áp xe gan, lách, thận…
Sau khi gặp các triệu chứng nói trên, nhiều bệnh nhân mới đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Một số trường hợp, bệnh tiến triển nhanh. Những người có bệnh mạn tính như bệnh phổi, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... sẽ mắc bệnh nặng nhất.
Nữ bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis sau khi khỏi bệnh
|
+ Người dân nên làm thế nào để phòng, tránh bệnh Whitmore, thưa ông?
-- Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong một số môi trường như bùn, đất, cống, chỗ ngập nước, đặc biệt ở một số vùng có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy, người dân nên tự trang bị các biện pháp bảo hộ lao động như đi giầy, dép, đeo găng tay, đi ủng, không để bộ phận cơ thể bị sây sát tiếp xúc trực tiếp với các môi trường đó.
Đồng thời, cần vệ sinh tay, chân sau khi lao động hoặc tiếp xúc trong những công việc đặc thù; nâng cao thể trạng, đi khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ. Nếu có các biểu hiện như sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, các tổn thương da, cơ quan bộ phận khác, người dân nên đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị.
+ Xin cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung về cuộc trò chuyện!
Tháng 8/2019, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc Melioidosis (bệnh Whitmore), mũi của bệnh nhân bị tổn thương nặng. Chị được điều trị, xử trí vết thương ở mũi, tổn thương tai mũi – họng. Hiện nay, sức khỏe của chị đã ổn định, được ra viện ngày 19/9. Trước đó, Trung tâm cũng tiếp nhận gần 20 bệnh nhân mắc Melioidosis. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định: “Melioidosis không phải là vi khuẩn “ăn thịt người” mà là bệnh đã được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây. Bệnh không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người. Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang”. |