Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới - chia sẻ: “Bệnh truyền nhiễm – nhiễm trùng luôn là thách thức đối với y học nhân loại. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội, khí hậu môi trường có nhiều biến động trên toàn cầu, các bệnh truyền nhiễm “cổ điển” cũng như các bệnh mới trỗi dậy luôn là mối đe dọa quan trọng đến sức khỏe cộng đồng”.
Các báo cáo cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vi khuẩn đa kháng sinh cao nhất thế giới. TS. BS Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy - cho biết, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, đặc biệt tại các cơ sở y tế. Do đó, việc quản lý sử dụng kháng sinh hợp lý là nhiệm vụ chiến lược cấp thiết cần thực hiện.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới phát biểu tại hội nghị
|
Vào năm 2013, chương trình “Quản lý sử dụng kháng sinh” được bắt đầu thực hiện tại BV Chợ Rẫy. Sau 5 năm, chương trình này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Xuất bản sách “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh”, trên 75% bệnh nhân mắc xây dựng và áp dụng các gói kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng và áp dụng các gói kiểm soát nhiễm khuẩn,… đạt kết quả tốt,…
Đặc biệt, tại BV Chợ Rẫy, chương trình đã tạo hiệu quả với việc giảm trên 65 tỷ đồng chi phí mua thuốc kháng sinh hàng năm, trong giai đoạn 2013 - 2018.
Tuy nhiên, tỷ lệ kháng thuốc kháng kháng sinh của vi khuẩn vẫn có khuynh hướng tiếp tục gia tăng. Đây là thách thức lớn cần phải giải quyết.
Bác sĩ Lê Phương Mai – Khoa vi sinh BV Chợ Rẫy chia sẻ báo cáo
|
Để ngăn chặn sự gia tăng tình hình kháng thuốc một cách hiệu quả, bác sĩ Lê Phương Mai – Khoa vi sinh (BV Chợ Rẫy) cho biết cần phải có những dữ liệu về khuynh hướng kháng thuốc của vi khuẩn diễn tiến qua các năm, chẩn đoán chính xác và nhanh chóng các loài vi khuẩn gây bệnh không thường gặp.
Điều này hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ lâm sàng lựa chọn kháng sinh và phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.
Theo thống kê, có 5 loại vi khuẩn hay gặp nhất là A.baumannii (19 - 22%), E. coli (18 - 19%), S. aureus (14 - 17%), K. pneumoniae (11 - 14%), P. aeruginosa (8%). Các vi khuẩn thường gặp ở BV Chợ Rẫy là A.baumannii, E.coli, S.aureus, K.pneumoniae, P.aeruginosa.
Tại hội nghị, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh (BV Nhi đồng 1) cũng cho biết, HIV và bệnh lao là hai nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong do bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới. Ước tính có 8,7 triệu trường hợp mắc bệnh lao và 2,5 triệu ca nhiễm HIV mới hàng năm.
Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ em mắc bệnh lao ở các quốc gia dao động từ 10 - 60%.
Tại Việt Nam, thống kê năm 2017 có đến 124 nghìn người bị bệnh lao. Để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ nhiễm HIV cần phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng cơ hội (đặc biệt là bệnh lao) và điều trị kịp thời.
Hội nghị khoa học “Thách thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm” có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các BV trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam. Tại đây, các bác sĩ đã chia sẻ 8 báo cáo khoa học thuộc các chuyên đề: Quản lý sử dụng kháng sinh, chẩn đoán và điều trị HIV, Viêm gan siêu vi. Hội nghị là điểm gặp gỡ cho các nhà khoa học trong trong giới y khoa, các chuyên gia và các hội viên đã và đang hoạt động trong lĩnh vực truyền nhiễm chia sẻ những ý tưởng, công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời, tạo điều kiện để các chuyên gia, bác sĩ trong ngành truyền nhiễm trao đổi, học tập và cập nhật kiến thức về bệnh truyền nhiễm nhằm nâng cao chất lượng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm hiện nay. |