Ông Trương Văn Phước: Việc chống đô la hoá đã không đạt được mục tiêu

Theo nhận định của ông Trương Văn Phước, chúng ta thành công đưa tỷ giá hối đoái về mức ổn định nhưng tỷ lệ đô la hoá, giữ đô la trong dân chúng lại tăng lên.
Ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia.
Ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia.

Tại hội thảo công bố báo cáo tài chính năm 2015 và chỉ dẫn cảnh báo do Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức mới đây, Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cho rằng thị trường đang tồn tại sự mất cân đối giữa huy động và cho vay VND, giữa huy động và cho vay đồng USD.

“Dù lãi suất huy động ngoại tệ chỉ bằng 0% nhưng vẫn không làm cho người dân chuyển ngoại tệ sang gửi tiền đồng vào ngân hàng. Huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay. Điều này chứng tỏ găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên, việc đưa lãi suất USD về 0 cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường", ông Thúy nêu nhận định.

Cùng lo ngại về vấn đề này, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đưa ra nhận định, việc chống đô la hoá của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu khi không làm giảm tỷ lệ đô la hoá xuống, ngược lại tỷ lệ này đang tăng lên.

“Chúng ta thành công đưa tỷ giá hối đoái về mức ổn định nhưng tỷ lệ đô la hoá, giữ đô la trong dân chúng lại tăng lên” – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ.

Phân tích rõ hơn, ông Phước dẫn số liệu năm 2015 huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng tăng 16,1% so với năm 2014. Trong đó, huy động vốn VND tăng 16,3%, trong khi năm 2014 là 19,3%. Huy động ngoại tệ tăng 14,3%, chủ yếu tập trung vào 4 tháng cuối năm 2015. Tuy nhiên, so với con số huy động vốn năm 2014 chỉ tăng 4,7% thì mức tăng trên 14% của năm 2015 là đáng kể.

“Việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đã tác động tới tâm lý người dân và họ đã chuyển sang mua ngoại tệ, gửi vào hệ thống ngân hàng, điều này có nghĩa người dân vẫn đang kỳ vọng rất nhiều từ tỷ giá. Việt Nam chống đô la hóa bằng cách triệt tiêu nguồn sinh lợi vào đô la, nhưng do đó mà người dân tập trung vào đô la nhiều hơn”, ông Phước bình luận.

Theo Trí thức trẻ