Vốn đã khẳng định được thương hiệu của một ngân hàng lớn với hình ảnh là ngân hàng bán buôn, song mới đây, BIDV lại gây ngạc nhiên khi được Tạp chí The Asian Banker trao thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2015”. Không những thế, từ ngày 8/4 tới đây, BIDV sẽ chính thức vận hành Trung tâm Điều hành mạng xã hội - Social Media Command Center (SMCC) để nắm bắt mọi ý kiến phản hồi của khách hàng, đồng thời phát triển marketing.
Với việc trở thành ngân hàng đầu tiên tương tác với khách hàng qua Facebook, Youtube, Linkedin…, BIDV đang dần xóa bỏ một hình ảnh ngân hàng bán buôn “lạnh lùng” sang hình ảnh một ngân hàng bán lẻ thân thiện, gần gũi với khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ BIDV khẳng định, lợi thế “bán buôn” đã giúp BIDV nhanh chóng “công phá” thành công thị trường bán lẻ, đặc biệt là những sản phẩm kết nối doanh nghiệp với khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, là một ngân hàng có mạng lưới rộng (750 điểm giao dịch; trên 14.000 điểm kết nối ATM/POS), huy động được nguồn vốn lớn từ dân cư và khách hàng doanh nghiệp, nên chi phí đầu vào của BIDV thấp hơn nhiều ngân hàng khác, lãi suất cho vay nhờ vậy cũng rẻ hơn. Hiện huy động tiền gửi từ dân cư của BIDV đứng thứ hai trên thị trường, trong khi tín dụng cá nhân tăng 2,7 lần trong vòng 3 năm qua.
Nếu BIDV đang dẫn đầu thị trường bán lẻ ở sản phẩm cho vay mua nhà, thì Vietcombank từ lâu đã đứng vị thế số 1 về dịch vụ thẻ với thị phần lên tới gần 30%. Vietcombank cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ vào năm 2018. Ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định, để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2014, Ban Lãnh đạo Vietcombank đã định hướng tăng tốc phát triển các chỉ tiêu kinh doanh bán lẻ, phân bổ chuyển dịch nguồn nhân lực cho công tác bán hàng.
Được biết, năm 2014, Vietcombank đã mở tới 10 chi nhánh và 17 phòng giao dịch. Các mảng kinh doanh bán lẻ chủ đạo đều tăng, riêng dịch vụ thẻ vẫn tiếp tục chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường.
Không nằm ngoài cuộc đua, năm 2015, VietinBank cũng đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình bán lẻ. Hiện ngân hàng này đã triển khai thí điểm mô hình bán lẻ tại nhiều chi nhánh và dự kiến, sau quý I/2015, toàn bộ hệ thống VietinBank sẽ triển khai mô hình bán lẻ mới. Ban Lãnh đạo VietinBank kỳ vọng, 20 - 25% tổng dư nợ sẽ đến từ mảng bán lẻ.
Ông Phùng Duy Khương, Giám đốc Khối Bán lẻ VietinBank cho biết, VietinBank có nhiều lợi thế khi triển khai mô hình bán lẻ theo chiều dọc, như nguồn khách hàng phong phú, rộng lớn; mạng lưới với 152 chi nhánh và gần 1.000 phòng giao dịch; nhân sự hùng hậu gồm 20.000 cán bộ nhân viên.
“Mục tiêu của VietinBank là chiếm lĩnh tối thiểu 15% thị phần bán lẻ tại Việt Nam”, ông Khương nói.
Âm thầm hơn trong cuộc đua bán lẻ, song Agribank lại đang “hùng cứ” mảng bán lẻ ở thị trường nông thôn rộng lớn. Năm 2014, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đạt 690.191 tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư tăng mạnh, chiếm tỷ trọng 78,4% vốn huy động. Tín dụng của Agribank cũng tăng mạnh, hướng tới cho vay nông nghiệp, cho vay các hộ gia đình. Bên cạnh đó, tổng thu dịch vụ của Agribank cũng tăng rất mạnh, đạt 2.877 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cuối năm 2013. Riêng dịch vụ thẻ của Agribank tăng trưởng tới 47%.
Như vậy, với từng thế mạnh riêng, các nhà băng lớn đang cùng nhau chia phần miếng bánh bán lẻ ở từng phân khúc riêng. Miếng bánh lớn này vẫn đang tiếp tục được chia lại bởi các nhà băng này đều ấp ủ những chiến lược lớn cho thị trường bán lẻ. Bên cạnh đó, ngoài khối ngân hàng TMCP quốc doanh, khối ngân hàng TMCP cũng đang đua nhau thâu tóm công ty tài chính với tham vọng đẩy mạnh mảng bán lẻ.
Theo nhận định của lãnh đạo các ngân hàng thương mại, dân số nước ta trẻ, đang ở độ tuổi vàng, mức độ sử dụng công nghệ ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng còn thấp…, khiến lĩnh vực bán lẻ vẫn còn là mảnh đất đầy tiềm năng với các ngân hàng.
Theo Đầu tư