Trước ngày VPB trình sàn, VPBank đã tổ chức một buổi roadshow hành tráng tại TP. HCM, ngày 15/08/2017. Tại đó, ông Tô Hải, Giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) - nhà tư vấn niêm yết cho VPB đã tiết lộ rằng, trong quá trình làm công tác dựng sổ (book building), họ đã tiếp cận với hơn 80 nhà đầu tư nước ngoài và hầu hết họ đều đặt mua.
Ông Hải đã thốt lên rằng việc giới thiệu chào bán VPBank với nhà đầu tư nước ngoài “trong tương lai cũng khó mà lặp lại” với khối lượng đặt mua lên tới 1,2 tỷ USD. Ngay cả trong lịch sử, các ngân hàng và thị trường chứng khoán ở Việt Nam cũng chưa có công ty nào đạt được điều này, kể cả giai đoạn nóng năm 2007.
“Khi chúng tôi làm công tác chuyển sổ thấy rằng nếu chỉ quan tâm về giá của VPBank thì với 44.000 đồng họ cũng mua và cũng đã có tới gần 500 triệu USD đặt mua ở giá này. Nhưng sau đó bên tư vấn đã ngồi lại với ngân hàng để chốt lại rằng nên để cho nhà đầu tư có lợi nhuận, do vậy chúng tôi chốt lại ở mức giá 39.000 đồng tức vốn hóa tầm 2,3 tỷ USD” - ông Hải nói.
Cũng theo Giám đốc VCSC, thị trường ngân hàng tài chính đang tạo ra khoảng cách ngày càng xa giữa các nhóm ngân hàng đầu và nhóm cuối. Trong 4-5 năm tới có thể có các ngân hàng sẽ đặt vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD, và ông Hải tin rằng VPBank là 1 trong số ít các ngân hàng tư nhân (có thể chỉ khoảng 2-3 ngân hàng) đạt cạnh tranh với Vietcombank giá thị trường như vậy.
Những chia sẻ của ông Hải lập tức tạo sóng dư luận trong giới đầu tư. Và những bài viết trích dẫn thông tin này đã nhanh chóng được loan đi mạnh mẽ trên các diễn đàn chứng khoán.
Hiệu ứng thông tin khiến không ít nhà đầu tư thêm phần hứng thú và chờ đợi giây phút VPB chính thức trình sàn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tỏ ra nghi ngờ tính thực chất của các thông tin mà ông Hải chia sẻ.
Thị trường kỳ vọng, với giá tham chiếm 39.000 đồng/cổ phiếu, thì ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, kịch bản tranh mua, sẽ đẩy VPB thử ngưỡng 44.000 đồng/cổ phiếu – mốc giá mà theo như lời ông Hải: “đã có tới gần 500 triệu USD đặt mua ở giá này”. Một số lạc quan hơn, thậm chí còn hy vọng VPB sẽ tím trần ở 46.800 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế phiên chào sàn của VPBank lại không như kỳ vọng. Kịch bản tranh mua đã không diễn ra. Mặc dù vậy, tân binh của HoSE cũng thiết lập một số kỷ lục về giao dịch.
Sau 15 phút phiên ATO, đã có tổng cộng 46 triệu cổ phiếu VPB được khớp ở mức giá tham chiếu (39.000 đồng/cổ phiếu). Ấn tượng hơn khi 37,4 triệu trong tổng số 46 triệu cổ phiếu khớp trong phiên này được thực hiện bởi khối ngoại. VPB thiết lập đạt kỷ lục từ trước đến nay với quy mô giao dịch 1.790 tỷ đồng.
Bước vào thời gian khớp lệnh liên tục, cổ phiếu VPB liên tục rơi sâu, có lúc đã lùi về 33.000 đồng/cổ phiếu – sát mức sàn.
Rất may là, trong đợt khớp lệnh ATC, lượng đặt mua lớn đã giúp cổ phiếu này quay trở lại giá tham chiếu 39.000 đồng. Điều này cũng có nghĩa, suốt cả phiên trình sàn, VPB không một lần được khớp trong sắc xanh, trong khi liên tục chìm vào sắc đỏ. Tất nhiên khi đó, tân binh HoSE cũng chưa có cơ hội thử ngưỡng 44.000 đồng/cổ phiếu.
Khách quan mà nói, mức giá chào sàn 39.000 đồng/cổ phiếu – vốn được đánh giá là cao so với trên thị trường OTC, đã tạo ra áp lực cung giá cao, khiến VPB gặp bất lợi về mặt điểm số trong ngày đầu giao dịch trên HOSE.
Thêm vào đó, diễn biến chung của thị trường trong phiên hôm nay cũng không thuận lợi. Đóng cửa phiên 17/8, bảng điện tử đỏ rực với với 209 mã giảm, gấp hơn 3 lần so với số mã tăng là 67 mã, VN-Index giảm 5,98 điểm (-0,77%) xuống 767,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 238,32 triệu đơn vị, giá trị 5.696,22 tỷ đồng.
Xét riêng nhóm các mã cổ phiếu “vua” (cổ phiếu ngân hàng), hôm nay cũng là một phiên buồn. Chỉ có hai mã EIB của Eximbank và NVB của Ngân hàng Quốc Dân là tăng nhẹ.
Do đó, có thể thấy rằng, việc VPB đóng cửa trong sắc tham chiếu cũng là một kết quả chấp nhận được.
Nên biết, với 58,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, VPB là mã chứng khoán có thanh khoản tốt nhất trên HoSE trong phiên giao dịch hôm nay. Và chính giao dịch đột biến này đã trở thành động lực khiến thanh khoản thị trường tăng ấn tượng.
Đóng cửa ở 39.000 đồng/cổ phiếu, VPB đang tạm thời giữ vị trí đắt nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Xếp thứ hai là quán quân cổ phiếu “vua” bấy lâu nay, mã VCB của Viecombank, đóng cửa ở 37.300 đồng/cổ phiếu, giảm 200 đồng so với mức đóng cửa hôm trước.
Tính theo mức giá đóng cửa hôm nay, hệ số P/E của VPB đạt 9,6 lần, chỉ sau VCB (18 lần). Nhưng với hệ số P/B, VPB dẫn đầu đạt 2,66 lần, so với 2,58 lần của VCB./.