‘Nhiều cổ phiếu không còn ở mức định giá hấp dẫn’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo TS. Đỗ Thái Hưng, nhiều cổ phiếu đã không còn ở mức định giá hấp dẫn và khi thị trường điều chỉnh, ‘nhà đầu tư F0’ chưa có nhiều kinh nghiệm đang ‘say men’ chiến thắng sẽ đối mặt với thua lỗ.

Chỉ trong ít ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục thiết lập các kỷ lục mới về thanh khoản và điểm số.

Kết phiên 3/6/2021, trên sàn HOSE, có tới 898,8 triệu đơn vị được trao tay, tương đương với giá trị giao dịch đạt 29.308 tỉ đồng. Các chỉ số VN-Index và VN30-Index cũng chinh phục đỉnh mới, lần lượt đạt 1.3634,2 điểm và 1.504,37 điểm.

Thanh khoản lập kỷ lục thêm một lần nữa cho thấy vai trò của các ‘nhà đầu tư F0’ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Như VietTimes từng đề cập, đã có tới gần nửa triệu tài khoản chứng khoán được mở mới chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, cao gấp 1,22 lần so với cả năm 2020.

“Khi hệ thống mới được HOSE đưa vào hoạt động, thanh khoản thị trường có thể lên tới 40 nghìn tỉ đồng/phiên” – TS. Đỗ Thái Hưng – nhà sáng lập, Giám đốc CTCP Đầu tư Finpros – dự đoán.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, các thông tin về dịch bệnh Covid-19 đã không còn tạo sự hoảng loạn hay tâm lý bi quan cho thị trường như trước. Phản ứng của thị trường cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Hơn nữa, với nhiều cơ hội sinh lời tốt, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ người dân.

TS Đỗ Thái Hưng - Nhà sáng lập, Giám đốc CTCP Đầu tư Finpros

TS Đỗ Thái Hưng - Nhà sáng lập, Giám đốc CTCP Đầu tư Finpros

Định giá cổ phiếu không còn rẻ

TS. Đỗ Thái Hưng cũng khuyến cáo nhiều dòng cổ phiếu đã không còn ở mức định giá hấp dẫn và khi thị trường điều chỉnh, các nhà đầu tư mới, ‘nhà đầu tư F0’ chưa có nhiều kinh nghiệm đang ‘say men’ chiến thắng sẽ đối mặt với rủi ro thua lỗ, thậm chí là ‘cháy’ tài khoản.

Dòng tiền giai đoạn vừa qua cũng cho thấy sự phân hoá rõ rệt, khi chỉ số VN30 -Index đã thu hẹp và vượt chỉ số VN-Index. Theo TS. Đỗ Thái Hưng, có hai nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này.

Thứ nhất, các quỹ ETFs, điển hình như VFMVN Diamond, Fubon, VNFIN Lead đang thu hút được dòng tiền. Các rổ chỉ số này chủ yếu phân bổ vào các cổ phiếu vốn hoá lớn, đổ tiền vào nhóm VN30, qua đó khiến chỉ số VN30-Index thu hẹp và vượt chỉ số VN-Index.

Thứ hai, dòng tiền tập trung vào nhóm ngân hàng rất mạnh, mà nhóm ngành này lại chiếm tỉ trọng lớn trong rổ VN30 nên có tác động lớn đến chỉ số. Ngân hàng cũng là nhóm ngành có kết quả kinh doanh khả quan nhất so với mặt bằng chung của thị trường.

Song, vị chuyên gia này cho biết định giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã không còn hấp dẫn.

“Hầu hết các mã ngân hàng đều tăng trưởng trên 50% từ đầu năm đến nay, những cổ phiếu như BVB, PGB đều tăng băng lần chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Mức tăng như vậy là tương đối nóng, về cơ bản đã mang tính đầu cơ nhiều hơn” – Giám đốc Finpros đánh giá.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2021 (Nguồn: Trading view)

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2021 (Nguồn: Trading view)

Cũng theo TS. Đỗ Thái Hưng, với mức tăng trưởng nóng như vậy, việc đưa ra các quyết định đầu tư vào định giá theo P/E hay P/B không còn nhiều ý nghĩa, bởi các chỉ số định giá đều mang tầm nhìn dài hạn.

Thêm nữa, cũng cần phải đánh giá cẩn trọng lợi nhuận của các ngân hàng. Năm 2020, hầu hết các ngân hàng tư nhân có được mức tăng trưởng lợi nhuận cao không hẳn đến từ tăng trưởng thu nhập lãi thuần mà chủ yếu do giảm trích lập dự phòng. Với động thái này, các ngân hàng đang đẩy rủi ro về phía tương lai./.