Hôm nay 6.1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm tỷ giá tham chiếu hằng ngày xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.2011, thấp hơn mức đóng cửa của nhân dân tệ (CNY) trong nước hôm 5.1.
CNY giảm 1,1% tại thị trường giao dịch tự do Hồng Kông (mức giảm lớn nhất kể từ khi nhân dân tệ được phá giá hồi tháng 8 năm ngoái) và giảm 0,6% ở Thượng Hải giữa lúc cả hai loại tỷ giá hối đoái rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2011. Khoảng cách giữa CNY giao dịch trên thị trường hải ngoại và CNY giao dịch trong nước lên đến mức kỷ lục.
Dù các biện pháp hỗ trợ nhân dân tệ giúp đồng tiền này ổn định trong 4 tháng kể từ ngày phá giá 11.8.2015, động thái can thiệp của Trung Quốc khiến dự trữ ngoại hối nước này có năm suy giảm đầu tiên. Mức hỗ trợ CNY chính thức đã rời rạc hơn từ tháng 12 năm ngoái, giữa lúc kinh tế Đại lục tăng trưởng yếu nhất trong một phần tư thế kỷ và việc Mỹ tăng lãi suất cũng thúc đẩy luồng vốn thoái.
Các chuyên gia tại ngân hàng Macquarie và Mizuho cho hay chính sách tỷ giá của PBOC đang ngày càng khó đánh giá hơn.
“Thị trường sẽ bối rối trước những tín hiệu mà Bắc Kinh đang cố gắng đưa ra thông qua việc can thiệp thị trường và điều chỉnh tỷ giá ngày hôm nay”, chuyên gia về ngoại hối Nizam Idris tại ngân hàng Macquarie ở Singapore nói.
Hôm 5.1, PBOC đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn biến động quá mức, theo thông tin từ một nguồn thân cận. Một vài ngân hàng lớn của Trung Quốc bán ra đô la Mỹ khi đồng nhân dân tệ trong nước hạ xuống mức 6,5460 CNY đổi 1 USD.
Đến 17 giờ 05 (giờ địa phương), đồng nhân dân tệ hải ngoại hạ xuống mức 6,70 nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 9.2010, thời điểm sau hai tháng kể từ khi giao dịch lần đầu tiên được cho phép ở đặc khu Hồng Kông. Nhân dân tệ nội địa thì dừng ở mức 6,5560 đổi 1 USD.
Đông thái của Trung Quốc có tác động đến thị trường toàn cầu. “Đây không phải là tin tốt cho phần còn lại của thế giới. Cho đến khi Trung Quốc ngừng làm suy yếu nhân dân tệ, các thị trường thế giới sẽ chật vật để ổn định. Chính quyền Đại lục có thể đang cố vực dậy nền kinh tế bằng cách thúc đẩy xuất khẩu. Việc này sẽ giúp một phần kinh tế Trung Quốc, song lại khiến một phần khác phải hi sinh”.
Biến động nhân dân tệ có xu hướng ảnh hưởng tiền tệ và triển vọng xuất khẩu khắp châu Á, nơi mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nhiều nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan...
Theo Thanh Niên