Người Mỹ có cần lo sợ TikTok của Trung Quốc?

VietTimes -- Một ứng dụng chia sẻ các đoạn video hài hước mới đây đã thu hút "sự quan tâm" đặc biệt của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ (CFIUS), cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia liên quan tới các thương vụ mua lại công ty Mỹ.
Ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc bất ngờ thành mối quan ngại an ninh quốc gia của Mỹ (Ảnh: National Interest)
Ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc bất ngờ thành mối quan ngại an ninh quốc gia của Mỹ (Ảnh: National Interest)

Ứng dụng trên, TikTok, được tung ra vào năm 2017 và nhanh chóng trở thành ứng dụng được giới trẻ trên khắp thế giới ưa chuộng - nó được tải về tới 1,5 nghìn tỷ lần trên toàn cầu và 122 triệu lần ở Mỹ. Đằng sau tất cả sự lo lắng và quan ngại của phía Mỹ là một thực tế: Ứng dụng này thuộc về một công ty Trung Quốc, ByteDance, được thành lập vào năm 2012.

"Công cụ" của chính phủ Trung Quốc?

ByteDance - trụ sở tại Bắc Kinh - đã mua lại Musical.ly - trụ sở tại Thượng Hải - vào năm 2017 với giá 1 tỷ USD. Musical.ly có một trụ sở tại thành phố Santa Monica, bang California (Mỹ) và thu hút được 60 triệu người dùng mỗi tháng, trên phạm vi toàn cầu. Sau thương vụ này, ByteDance tiêu hủy Musical.ly để tạo ra ứng dụng thay thế nó là TikTok.

Vào thời điểm đó, ByteDance - công ty sở hữu nhiều ứng dụng thông tin và giải trí - cũng đang đàm phán với các nhà đầu tư để gây quỹ, giúp nâng giá trị thị trường của công ty lên khoảng 75 tỷ USD để giúp họ trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị cao nhất thế giới.

Mới đây, một nhóm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã đánh hồi chuông báo động về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của TikTok đối với giới trẻ nước này cùng sự hiện diện của ứng dụng trên thị trường Mỹ. Trong một bức thư, 2 thượng nghị sĩ Chuck Schumer và Tom Cotton cảnh báo rằng TikTok có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc và có thể bị lợi dụng để "hỗ trợ, hợp tác với chính phủ Trung Quốc trong hoạt động tình báo". Thượng nghị sĩ Marco Rubio còn gọi công ty này là một "công cụ" của chính phủ Trung Quốc.

Thực tế thì nhiều người tỏ ra bất ngờ khi một ứng dụng tầm thường lại gây ra nhiều thách thức chính sách phức tạp đối với Mỹ. Một vấn đề đáng quan tâm được đặt ra: Liệu TikTok vẫn phải tuân thủ hệ thống kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt của Trung Quốc, hay là không?

Nhiều nhà phê bình cho rằng TikTok vẫn phải tuân thủ chính sách kiểm duyệt khắt khe được gọi là "Tường lửa Vĩ đại" (Great Firewall) của Bắc Kinh, chỉ ra ra bằng chứng là ứng dụng này rất thiếu thông tin về các cuộc biểu tình dân chủ đang diễn ra tại Hong Kong.

TikTok - hiện đang thành lập một đội ngũ vận động hành lang đầy sức mạnh ở Washington - cực lực bác bỏ cáo buộc cho rằng họ có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Chuyên viên quản lý của TikTok tại Mỹ Vanessa Pappas nói rằng, mặc dù ứng dụng này còn nhiều hạn chế do tốc độ tăng trưởng ở thị trường Mỹ quá nhanh, nhưng "các nhà điều hành" của họ ở Mỹ vẫn kiểm duyệt thông tin để phù hợp với thị trường Mỹ và không nhận chỉ thị từ Bắc Kinh.

Bà Pappas còn tuyên bố rằng mô hình kinh doanh của TikTok là nhằm vào giải trí, tránh xa các vấn đề chính trị thường thấy trên YouTube hay Facebook. Bà còn tuyên bố rằng "các sếp" của bà ở Bắc Kinh đảm bảo rằng chi nhánh bên Mỹ "được trao quyền hoạt động độc lập và toàn quyền quyết định về vấn đề điều tiết nội dung".

Tuy nhiên, sau nhiều cuộc phỏng vấn với các cựu nhân viên của TikTok, tờ The Washington Post đưa tin rằng quyền quyết định trực tiếp đến từ công ty mẹ ở Bắc Kinh. Bà Pappas đã cực lực bác bỏ thông tin này. Nhưng dù câu chuyện này có thể nào, giới chuyên gia Trung Quốc vẫn tin rằng, hệ thống kiểm duyệt thông tin của Trung Quốc sẽ sẵn sàng can thiệp vào bất cứ thời điểm nào mà họ nhận thấy chính quyền bị đe dọa.

Động thái của CFIUS

Điều này dẫn tới việc CFIUS theo dõi sát sao TikTok. ByteDance chưa từng được CFIUS phê duyệt thương vụ mua lại Musical.ly trong năm 2017. Tuy nhiên, CFIUS lại có thẩm quyền rất lớn, đến nỗi họ có thể can thiệp vào thương vụ này dù cho nó đã hoàn tất.

Điều mà CFIUS tập trung quan sát nhất chính là vị trí của công ty này trong hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc. Trong một bài phát biểu gần đây, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg còn nhắc tới TikTok khi nói về hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc. Dù CFIUS tránh đưa ra phán quyết liên quan tới vấn đề kiểm duyệt này do lo ngại sẽ làm nảy sinh bất đồng với Trung Quốc, nhưng họ lại liên tục mở rộng phạm vi quyền hành và đưa ra cơ sở để can thiệp trong vài năm qua.

Điều này khiến các công ty Trung Quốc hết sức quan ngại. Trong năm 2018, CFIUS không phê duyệt cho công ty Ant Financial của Trung Quốc mua lại MoneyGram do lo ngại chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp cận được thông tin tài chính của công dân Mỹ. Tương tự, CFIUS cũng chặn công ty Kunlun Tech bán Grindr vì lo sợ dữ liệu từ ứng dụng hẹn hò của người đồng tính có thể bị lợi dụng để tống tiền công dân và các quan chức chính phủ Mỹ.

Theo luật pháp Mỹ, CFIUS không cần phải đưa ra lời giải thích đầy đủ về cơ sở cho các quyết định mà họ đưa ra. Nhưng một khi CFIUS tuyên bố rằng hành động của họ nhằm vào TikTok là do ứng dụng này vẫn bị chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt, CFIUS sẽ phải xét tới hàng loạt các tiêu chí an ninh quốc gia, gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác. Như một chuyên gia của CFIUS từng nêu: "Đây là một không gian mới nằm dưới sự quản lý của CFIUS mà có thể đặt rất nhiều công ty mạng xã hội vào chỗ bị theo dõi".

Theo National Interest