Các ứng dụng Trung Quốc vẫn tiếp tục được người Mỹ ưa thích bất chấp cảnh báo từ phía chính phủ

VietTimes -- Các ứng dụng Trung Quốc vẫn tiếp tục bỏ túi hàng trăm triệu USD từ người dùng Mỹ bất chấp cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc và những cảnh báo về những rủi ro bảo mật đối với công nghệ Trung Quốc.
Ảnh: PhoneArena
Ảnh: PhoneArena

Trong quý 3 năm 2019, các ứng dụng có xuất xứ Trung Quốc chiếm khoảng 745 triệu USD chi tiêu của người dùng tại Mỹ, theo Sensor Tower. Chi tiêu cho các ứng dụng Trung Quốc đã tăng 65% so với năm trước. Theo thống kê quý ba, người Mỹ đã chi 3,43 tỷ USD cho 100 ứng dụng hàng đầu theo doanh thu trong Apple Store và Google Play Store và các ứng dụng Trung Quốc chiếm 22% trong số đó.

Trong số 100 ứng dụng có doanh thu hàng đầu trong Apple Store và Google Play Store có tới 25 ứng dụng là của Trung Quốc, tăng 4 ứng dụng so với 21 ứng dụng trong quý 3 năm ngoái.

Cụ thể 25 ứng dụng trong danh sách này  chủ yếu là các trò chơi được phát triển bởi các công ty công nghệ như Tencent và Giant. Ứng dụng số một của Trung Quốc trong danh sách này là trò chơi Player Unknown’s Battlegrounds (PUBG). Tencent đã tạo ra phiên bản trò chơi dành cho iOS và Android.

Ảnh: CNBC
Game PUBG của Tencent, Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Hồi tháng năm, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei đã bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại, hạn chế quyền truy cập của công ty vào các công nghệ Mỹ. Washington cho rằng các thiết bị của Huawei tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng để do thám người Mỹ. Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.


Cách đây một tuần, Chính phủ Mỹ đã quyết định mở cuộc điều tra liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung và cách lưu trữ thông tin cá nhân của ứng dụng đình đám Trung Quốc - TikTok.

Ứng dụng này đang ngày càng mở rộng ở Mỹ với 26,5 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng, trong đó, người dùng độ tuổi 16-24 chiếm 60%. Sau 2 năm từ khi ứng dụng TikTok (trước đây là Music.ly) được ByteDance mua lại, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã xem xét lại thỏa thuận thâu tóm của ByteDance vì lo ngại rằng, ứng dụng này có thể là một rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Về lý do tại sao người dùng Mỹ vẫn bất chấp sử dụng các ứng dụng của Trung Quốc, Toto Serkan, CEO của Kantan Games cho biết: “Tôi cho rằng hầu hết người dùng ở Mỹ đều không hề biết rằng những trò chơi này được sản xuất hoặc thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc”.

“Nhiều người dùng ở Mỹ không quan tâm đến nguồn gốc của các ứng dụng mà họ đang sử dụng”, ông Toto nói thêm.

Theo PhoneArena