Ứng dụng truyền thông xã hội TikTok cho biết họ đã xóa những tài khoản đăng tải các video tuyên truyền cho nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) (Ảnh: AFP) |
Một nhân viên giấu tên tại TikTok cho biết, khoảng 10 tài khoản đã bị xóa sổ vì đăng tải các video. "Hầu hết các video này đều mới chỉ đạt lượt xem đến hai chữ số trước khi bị gỡ xuống".
Tờ Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên đưa tin về sự việc này. Theo đó, các video có cảnh xác chết được diễu hành qua các đường phố và những chiến binh IS thì trang bị súng. Các bài đăng bắt nguồn từ khoảng hai chục tài khoản, được xác định bởi công ty tình báo truyền thông xã hội Storyful.
Ông Darren Davidson, tổng biên tập của Storyful cho biết: "Nếu như các ứng dụng mạng xã hội khác tập trung vào bạn bè của người dùng hoặc cộng đồng thì TikTok dựa trên việc người dùng tham gia vào một luồng nội dung mới bất tận. Chính vì thế, dù các bài đăng của ISIS vi phạm chính sách của TikTok, nhưng khối lượng nội dung quá lớn khiến TikTok gặp khó khăn trong việc kiểm soát các tài khoản của nhóm người này và triệt xóa tận gốc những video".
Nhà nước Hồi giáo tự xưng "caliphate" ở Iraq và Syria đã thất thủ vào tháng 3, nhưng nhóm này vẫn hoạt động ở một số quốc gia tại Trung Đông, Châu Phi và Châu Á, cũng như vẫn truyền cảm hứng cho các chiến binh thánh chiến thông qua sự hiện diện trực tuyến.
Trong một văn bản gửi cho AFP, TikTok cho biết: "Nội dung ủng hộ các tổ chức khủng bố hoàn toàn không có chỗ trên TikTok. Chúng tôi cấm vĩnh viễn mọi tài khoản và thiết bị như vậy ngay khi xác định được và chúng tôi sẽ liên tục phát triển các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn bao giờ hết để chủ động phát hiện hoạt động đáng ngờ".
Tiktok là ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance của Trung Quốc. Ứng dụng TikTok cho phép người dùng tạo và chia sẻ video trong 15 giây, đặc biệt phổ biến với thanh thiếu niên. Với số lượng người dùng đạt khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới vào năm ngoái, TikTok trở thành một trong những ứng dụng xã hội phổ biến nhất hiện nay.
Tuy nhiên, gần đây, ứng dụng này cũng khốn đốn vì vướng phải nhiều tranh cãi.
Vào tháng Tư, TikTok đã bị cấm một thời gian ngắn ở Ấn Độ với cáo buộc quảng cáo phim khiêu dâm trẻ em.
Ứng dụng này cũng bị cấm ở nước láng giềng Bangladesh và bị phạt nặng ở Hoa Kỳ vì thu thập thông tin của trẻ em bất hợp pháp. Thế nhưng, công ty bác bỏ các cáo buộc trên và khẳng định rằng họ đã tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước sở tại.
(Theo AFP)