Nguy cơ nhiễm bệnh thấp
Trao đổi với PV VietTimes, BS. CKII. Khổng Minh Tuấn cho hay: Người đang thực hiện biện pháp cách ly tại nhà không có nghĩa là người đó mắc bệnh. Người cách ly tại nhà là người bình thường đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc người bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc của tiếp xúc.
Ông Tuấn khẳng định: Người được cách ly tại nhà (F2) là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh thấp, cần tiếp tục giám sát, cách ly chặt chẽ chứ không phải là bệnh nhân mắc COVID-19.
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Minh Thúy
|
Theo quy định, người thực hiện biện pháp cách ly tại nhà không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình mà còn giảm nguy cơ nguồn bệnh lây lan, phát tán ra cộng đồng. Nếu chẳng may người cách ly tại nhà bị nhiễm bệnh và phát bệnh thì sẽ không có nguy cơ lây lan cho người khác.
Vì thế, người dân không nên kỳ thị mà phải giúp đỡ những trường hợp đang cách ly tại nhà để chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, những bệnh nhân mắc COVID-19 đang được cách ly, điều trị trong bệnh viện nên sẽ không trở thành nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.
Bác sĩ hướng dẫn người đến khám bệnh đeo khẩu trang đúng cách. Ảnh: Minh Thúy
|
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là đeo khẩu trang bắt buộc ở những nơi công cộng, bến tàu, bến xe,… Cùng với đó, hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc ở những nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh, khử khuẩn môi trường sạch sẽ.
Ông Tuấn đặc biệt lưu ý người dân phải hạn chế tối đa việc đi du lịch vì có thể sẽ gặp, tiếp xúc với những người mang mầm bệnh. Bởi trong số 67 bệnh nhân mắc COVID-19 có tới 18 bệnh nhân là người nước ngoài. Hầu hết các bệnh nhân này đều đã đi du lịch nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.
Việt Nam bước vào giai đoạn 3 của dịch COVID-19
Thông tin về chiến lược phòng, chống COVID-19 thời gian tới, ông Tuấn cho hay, từ ngày 12/3 đến nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của dịch COVID-19 khi sự lây lan của dịch bệnh tương đối rộng trong cộng đồng.
Chiến lược phòng, chống dịch bệnh sắp tới chưa có gì thay đổi so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, để thích ứng với tình hình thực tế, các đơn vị đã nâng cấp và tăng cường các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch. Điển hình là việc đeo khẩu trang.
Nếu như trước đây, người dân không phải đeo khẩu trang bắt buộc thì đến nay ai cùng phải đeo khẩu trang ở những khu vực công cộng như: bến tàu, bến xe, công viên,… để chủ động phòng, chống bệnh.
Bên cạnh đó, “những khu vực nào có bệnh nhân mắc COVID-19 thì cần nâng cấp độ phòng, chống dịch để người dân không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, lo lắng” – ông Tuấn nói.
Người dân đeo khẩu trang tại sân bay. Ảnh: The Straits Times
|
Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã nhận định tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến xấu rất nhanh nên cần có biện pháp ngăn chặn mạnh và dứt khoát hơn.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về các đối tượng phải cách ly y tế bắt buộc khi vào Việt Nam; tiến hành đo thân nhiệt, phân luồng người nhập cảnh ngay khi xuống máy bay.
Đối với người nước ngoài thì điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận. Đối với công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, cần nhanh chóng giải phóng người tập trung ở sân bay để sớm đưa về khu cách ly tập trung theo quy định,...
Hành khách nhập cảnh chờ làm thủ tục tại sân bay. Ảnh: Minh Thư/BYT
|
Từ ngày 15/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã yêu cầu các cảng hàng không đo thân nhiệt và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho tất cả hành khách nhập cảnh từ châu Âu vào Việt Nam tại sân bay trước khi được đưa đến khu vực cách ly tập trung. Riêng hành khách nhập cảnh từ Mỹ vào Việt Nam chưa phải cách ly tập trung nhưng vẫn phải đo thân nhiệt và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại sân bay.
Để phòng dịch có hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp để phát hiện các đối tượng nhiễm, nghi nhiễm càng sớm càng tốt. Do đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu để giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi ngờ; triển khai thực hiện hiệu quả việc khai báo y tế bắt buộc, khai báo y tế tự nguyện toàn dân; phân loại các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, những người già, người có bệnh nền.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, các đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh sàng lọc, phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị, dập dịch, chống dịch tại chỗ; phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ. Những người có nguy cơ, trước tiên phải tự cách ly ngay tại nhà. Sau đó, cơ quan y tế sẽ cử người đến tận nhà để hướng dẫn, kiểm tra sức khỏe.
Tính đến 10h00 sáng nay (18/3), Việt Nam đã ghi nhận 67 ca mắc COVID-19. Hiện, 126 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ; 9.630 trường hợp đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu