Nga đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho xung đột ở Ukraine, nhưng họ sẽ không chấp nhận bất cứ vai trò trung gian hòa giải nào của phương Tây trong các vòng đàm phán với Kiev, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
“Chúng tôi sẵn sàng tạo cơ hội cho ngoại giao. Đó là lý do mà chúng tôi nhất trí đàm phán, và đang nối lại ở Istanbul” – ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm đầu tuần với truyền thông Serbia.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, có quan hệ tốt đẹp với cả Nga lẫn Ukraine, đã rất nỗ lực trong việc đưa ra hai nước ngồi vào bàn đàm phán, ông Lavrov giải thích. Tuy nhiên, không cần thiết phải có mặt EU hay Mỹ - hiện ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột – trong tiến trình hòa bình, theo nhà ngoại giao Nga.
“Đã có rất nhiều ví dụ cho thấy những thành tựu ngoại giao bị các đồng nghiệp phương Tây vùi dập. Không thể tin tưởng họ được nữa” – ông Lavrov nói – “Tôi không muốn chứng kiến thêm kiểu ngoại giao con thoi của phương Tây nữa, bởi họ đã làm xong điều đó – vào tháng 2/2014 ở Ukraine và tháng 2/2015 ở Minsk.”
Tháng 2/2014, EU trở thành nhà bảo trợ cho thỏa thuận giữa Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ, Viktor Yanukovych, và những người biểu tình Maidan ở Kiev; ông Lavrov nhắc lại. “Đó từng là đỉnh cao ngoại giao. Nhưng ngay trong sáng hôm sau, phe đối lập đã phá hoại thành tựu đó.”
Ông Yanukovych cuối cùng phải trốn khỏi đất nước, và chính quyền mới ở Ukraine nhanh chóng cử quân đội tới Donetsk và Lugansk. Tháng 9 cùng năm đó, thỏa thuận Minsk I giữa 2 nước cộng hòa tự xưng và Kiev đã đạt được ở thủ đô của Belarus, dưới sự bảo trợ của Ukraine, Nga, Đức và Pháp theo định dạng Normandy. Thỏa thuận kêu gọi hai bên đình chiến, trao đổi tù binh, cho phép hoạt động nhân đạo và rút hết vũ khí hạng nặng.
“Công tác ngoại giao đã đạt được tầm cao mới vào tháng 2/2015, khi những thỏa thuận được ký ở Minsk đã giúp chấm dứt cuộc chiến ở miền Đông Ukraine và mở ra con đường vãn hồi sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bằng cách trao hiện trạng đặc biệt cho Donbass” – ông Lavrov nói.
Thỏa thuận thứ hai, Minsk II, đưa ra lệnh ngừng bắn và dọn đường cho các cuộc cải cách chính trị ở Ukraine cũng như trao quyền tự trị, tổ chức bầu cử ở Donbass. Tuy nhiên, những thế lực phương Tây hậu thuẫn Kiev lại không thể thuyết phục chính phủ Ukraine hoàn thành cam kết của họ.
“EU đã chứng minh rằng họ là một tổ chức thiếu năng lực trong việc thực thi những thỏa thuận đã đạt được” – ông Lavrov nói.
Theo RT