Giảm áp lực cho ngân sách
Ngày 21/1, tỷ giá đồng rúp so với đồng USD chạm mức thấp nhất trong lịch sử khi 85 rúp ăn 1 USD, vào cuối ngày, tỷ giá tăng lên 83,8.
Theo nhà báo Tim Worstall, vào thời điểm này, trong lúc bị phương Tây và Mỹ cấm vận kinh tế, đồng rúp trượt giá lại là những gì Nga cần.
Chính vì sự chênh lệch này, Nga sẽ thu về số rúp nhiều hơn khi bán 1 thùng dầu. Điều đó làm giảm bớt áp lực cho ngân sách được tính bằng đồng rúp của Nga, quốc gia mà phần lớn ngân sách là từ thuế xuất khẩu dầu.
Hồi tháng 3/2015, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tính toán, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì kim ngạch xuất khẩu của Nga bị giảm sút 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi tỷ giá USD/rúp tăng thêm 1 rúp (tức là đồng rúp giảm giá) thì thu ngân sách Nga lại được hưởng lợi tới 200 tỷ rúp.
Mức độ mất giá của đồng rúp so với USD như trên dễ dàng bù đắp cho mức giảm giá dầu thô xuất khẩu tính bằng USD trên thị trường thế giới hiện tại.
Nếu nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga không cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu, thu nhập của họ bằng đồng rúp thậm chí còn tăng nhờ mức giảm giá của đồng nội tệ mạnh hơn mức rớt giá của dầu thô.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga cũng hưởng lợi nhờ giá thành khai thác và xuất khẩu dầu của họ được tính bằng đồng rúp trong khi giá xuất khẩu được tính bằng USD.
Khi mức độ phá giá đồng rúp lớn hơn mức độ sụt giảm giá dầu thô xuất khẩu thì nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn thu về được nhiều hơn rúp so với giai đoạn ổn định.
Dù sau này, tỷ giá đồng rúp có được ổn định, nhưng vẫn đứng ở mức thấp hơn so với trước đây, thì sự thiệt hại của nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga từ việc giá dầu thô suy giảm vẫn được giảm thiểu nhờ nguồn thu tính theo rúp vẫn tăng mạnh.
Tác động tích cực đến sản xuất trong nước
Theo Tim Worstall, đồng rúp suy yếu có tác động tích cực đến sản xuất trong nước do nhu cầu cấp thiết để thay thế hàng hóa nhập khẩu.
Nga là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Vì thế nên cuộc suy thoái về giá năng lượng toàn cầu đã ảnh hưởng rất xấu tới nền kinh tế Nga. Kết quả là, nền kinh tế Nga cần phải được cơ cấu lại. Trong đó, trước hết là phải thay thế hàng nhập khẩu.
“Đồng rúp mất giá làm cho giá trị các mặt hàng nhập khẩu đắt hơn khiến nhu cầu các mặt hàng thay thế được sản xuất trong nước tăng lên. Điều đó có lợi cho sản xuất trong nước. Nó cũng làm cho kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác rẻ hơn, qua đó thúc đẩy xuất khẩu phi dầu mỏ. Đây chính xác là những gì cần để thúc đẩy một nền kinh tế”, Worstall nói.
Theo Đất Việt