Thanh toán bằng tiền đồng và rúp cho thương mại Việt – Nga

Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2 là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trưng bày xong và sẵn sàng bán hàng vào ngày khai mạc Hội chợ hàng Việt chất lượng cao tại Tổ hợp Incentra Mátxcơva 
Bất chấp tình hình kinh tế Nga, kim ngạch thương mại Việt – Nga 9 tháng đầu năm 2015 vẫn đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam vẫn là nước xuất siêu sang Nga. Ảnh: Hải Lý
Bất chấp tình hình kinh tế Nga, kim ngạch thương mại Việt – Nga 9 tháng đầu năm 2015 vẫn đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam vẫn là nước xuất siêu sang Nga. Ảnh: Hải Lý

 Đại diện Trung tâm nói với TBKTSG Online: “Chúng tôi rất muốn mang thêm hàng sang, nhưng thuế và chi phí tương đối cao (thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu và phí vào Nga khoảng 18%) cộng thêm tỷ giá đồng rúp không ổn định, nên còn phải tính toán kỹ hơn.” Chỉ vào chiếc áo sơ mi bằng vải bông dành cho mùa đông, được niêm yết giá bán tương đương 300.000 đồng/cái, chị nói trong giá có cả thuế và phí.

Kinh tế Nga vẫn đang trải qua nhiều biến động. Trong 9 tháng đầu năm 2015 lạm phát lên tới 16%, giá dầu giảm sâu, đồng rúp mất giá, cấm vận của Mỹ và châu Âu đang gây áp lực lên nền kinh tế Nga. Nếu giá dầu không tăng và lệnh cấm vận không được nới lỏng, kinh tế Nga sẽ còn khó khăn trong năm 2016-2017, đây là nhận định chung của đại diện các bộ, ngành, và 200 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nga sáng ngày 12-11-2015 tại Mátxcơva.

Bất chấp tình hình kinh tế Nga, kim ngạch thương mại Việt – Nga 9 tháng đầu năm 2015 vẫn đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam vẫn là nước xuất siêu sang Nga. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong cán cân xuất nhập khẩu của Nga nói chung.

Phương thức thanh toán là trở ngại hàng đầu mà các nhà xuất khẩu Việt vào Nga e ngại. Phương thức TT (nhận hàng trả tiền) chiếm 90% lượng thanh toán. Một doanh nghiệp nói: “Chúng tôi biết nhiều trường hợp nhà nhập khẩu Nga nhận được hàng, kiểm tra hàng rồi mới quyết định thanh toán, và thanh toán có thể không theo đúng kỳ hạn trong hợp đồng thoả thuận.”

Để tháo gỡ hai vấn đề trên, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) đã thiết kế và đưa vào sử dụng cho doanh nghiệp kênh thanh toán song phương sử dụng đồng rúp và đồng Việt Nam có bảo hiểm tỷ giá đồng rúp so với đô la Mỹ. Ngân hàng liên doanh Việt – Nga tham gia vào kênh này. Ông Vasily Titov, phó chủ tịch thứ nhất VTB cho biết: “VTB là nhà tạo lập thị trường hàng đầu đối với đồng rúp, Ngân hàng liên doanh Việt – Nga được định vị như một nhà tạo lập thị trường cho cặp tiền tệ rúp/Việt Nam đồng. Kênh này sẽ giúp thực hiện các giao dịch thanh toán theo hợp đồng thương mại bằng đồng rúp và đồng tiền Việt.”

Ông Alexey Lekhachev, thứ trưởng thứ nhất Bộ Phát triển Kinh tế Nga, nói ông rất kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh cho quan hệ thương mại giữa hai nước, giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này tăng 18-20%/năm và nâng kim ngạch song phương lên 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. 

Hiện tại Nga đang có 107 dự án đầu tư trực tiếp ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2 tỉ đô la Mỹ, tập trung vào lĩnh vực dầu khí, năng lượng, công nghiệp chế biến, công nghiệp nặng. Các tập đoàn tầm cỡ của Nga như Gazprom, Zarubezhneft, Lukoil, Rosneft, Kamaz, Kraz.... đều có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam đầu tư vào 19 dự án tại Nga với tổng vốn 2,5 tỉ đô la Mỹ. Nga là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam trong đầu tư ra nước ngoài.

Theo TBKTSG