Nga "dội gáo nước lạnh" vào kế hoạch hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong hôm 21/2, Điện Kremlin cảnh bá rằng không có kế hoạch chắc chắn cho hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga và Mỹ, ngay giữa lúc căng thẳng về vấn đề Ukraine.
Tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine đang trở nên căng thẳng (Ảnh: AFP)
Tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine đang trở nên căng thẳng (Ảnh: AFP)

Ý tưởng về một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra bởi Pháp và sau đó nhận được sự ủng hộ của Ukraine, như một cách để đảo ngược nguy cơ xảy ra chiến tranh ở châu Âu.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng: “Vẫn còn quá sớm để bàn về bất kỳ kế hoạch cụ thể nào trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh như vậy”, thêm rằng vẫn chưa có “kế hoạch chắc chắn”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó trong hôm 20/2 đã có cuộc điện đàm với ông Putin, và sau đó văn phòng của ông cho hay cả ông Putin và ông Biden đều cởi mở về ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Theo thông báo của văn phòng tổng thống, hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra, tuy nhiên, “chỉ với điều kiện là Nga không xâm lược Ukraine”.

“Vẫn còn hy vọng về mặt ngoại giao”, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Clement Beaune nói với kênh truyền hình LCI. “Nếu như vẫn còn cơ hội để tránh khỏi chiến tranh, tránh khỏi một cuộc đối đầu và xây dựng một giải pháp chính trị và ngoại giao, chúng ta cần phải nắm lấy.”

Nhưng ở Washington, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói với AFP rằng: “Thời điểm tổ chức sẽ được quyết định. Định dạng sẽ được quyết định. Bởi vậy nó mới chỉ là ý tưởng.”

Đang có chuyến thăm Brussels, Ngoại trưởng Ukraine đã hoan nghênh nỗ lực của Pháp.

“Chúng tôi tin rằng mọi nỗ lực hướng tới giải pháp ngoại giao đều xứng đáng có được cơ hội thử” – ông Dmytro Kuleba nói – “Chúng tôi hy vọng rằng hai vị tổng thống sẽ bước ra khỏi phòng họp cùng với một thỏa thuận là Nga rút lực lượng khỏi Ukraine.”

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói rằng không có tín hiệu cho thấy các lực lượng Nga sẽ rút khỏi khu vực biên giới, và rằng lực lượng ly khai thân Nga vẫn tiếp tục nã pháo vào các cứ điểm của Ukraine.

“Từ đầu ngày hôm nay, lúc 9h00 sáng, 14 vụ tấn công đã được ghi nhận, 13 trong số đó đến từ các loại vũ khí bị cấm theo thỏa thuận Minsk” – ông nói với các phóng viên tại Kiev – “Một trong số những binh sĩ của chúng tôi đã bị thương.”

Trong những tuần gần đây, theo thông tin tình báo Mỹ, Moscow đã điều động hơn 150.000 binh sĩ và thủy thủ xung quanh các đường biên giới của Ukraine với Belarus, Nga, Crimea và trên Biển Đen.

Tổng thống Biden nói rằng tình báo Mỹ tin rằng ông Putin đã đưa ra quyết định “xâm lược” Ukraine và rằng các tướng lĩnh Nga đang chuẩn bị sẵn sàng cho các đơn vị tấn công chỉ trong vài ngày. Nga cực lực bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cho rằng Kiev đang chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào các khu vực ly khai.

Cùng lúc, Ukraine và Nga tiếp tục cáo buộc lẫn nhau sau hàng loạt vụ nã pháo ở tiền tuyến miền Đông Ukraine, nơi đang xảy ra chiến sự giữa lực lượng chính phủ và quân ly khai.

Ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh được đưa ra sau khi Tổng thống Macron có cuộc điện đàm marathon với ông Putin. Trong cuộc thảo luận đầu tiên kéo dài 105 phút, ông Putin cáo buộc lực lượng an ninh Ukraine đã gây ra tình trạng bạo lực trên tiền tuyến, theo tuyên bố của Điện Kremlin. Lãnh đạo Nga cũng nhắc lại lời kêu gọi “Mỹ và NATO xem xét những đề xuất an ninh của Nga một cách nghiêm túc.”

Trong lần điện đàm thứ hai, vào tối hôm 20/2, kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Tuyên bố về hội nghị thượng đỉnh xuất hiện ngay sau đó.