Nga đang trở lại mạnh mẽ trên vũ đài chính trị toàn cầu

Báo chí Anh và Mỹ cho rằng, với những hành động mới nhất về vấn đề Syria, dường như Nga đang trở lại với vị thế của một cường quốc chính trị hàng đầu thế giới.
Tháng 9-2013, tuần dương hạm Moskva dẫn biên đội gồm tàu khu trục lớp Udaloy Vice Almirante Kulakov và tàu chở dầu Ivan Bubnov bỏ dở chuyến thăm Venezuela, quay về eo biển Gibralta, vào Địa Trung Hải bảo vệ Syria
Tháng 9-2013, tuần dương hạm Moskva dẫn biên đội gồm tàu khu trục lớp Udaloy Vice Almirante Kulakov và tàu chở dầu Ivan Bubnov bỏ dở chuyến thăm Venezuela, quay về eo biển Gibralta, vào Địa Trung Hải bảo vệ Syria

Nga đang trở lại mạnh mẽ trên vũ đài chính trị quốc tế

Quan điểm nêu trên tờ báo Anh Financial Times (FT) cho biết, sự tham gia của Nga trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria, với những hành động cương quyết như triển khai các thiết bị quân sự ở nước này cho thấy một thực tế là, Moscow đã bắt đầu trở lại như một cường quốc chính trị tầm cỡ toàn cầu.

Thời gian qua, Moscow đã đưa cố vấn quân sự, chuyên gia kỹ thuật và nhiều phương tiện tác chiến, bảo đảm sang Syria. Quyết tâm của Nga thể hiện ở việc những vũ khí, trang bị tốt nhất của nước này đã được mang tới căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Latakia.

Tuy nhiên, sự hiện diện của vũ khí và chuyên gia Nga không có nghĩa là ông Putin đã sẵn sàng trực tiếp tấn công IS, mà nó mang tính chất biểu tượng và răn đe nhiều hơn. Bởi với ông Putin, điều quan trọng nhất hiện nay là phá âm mưu thay đổi chế độ ở Syria của Mỹ và phương Tây.

Sự hiện diện của Moscow thứ nhất là nhằm ngăn cản âm mưu lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, thứ 2 là nhằm trấn an đồng minh thân thiết, thứ 3 là có tác dụng ngăn cản liên quân 60 nước của Mỹ, gây ra những hành động bất lợi cho quân đội Syria.

Đó là nguyên nhân chính khiến Nga đột nhiên trở nên cứng rắn trong thời gian qua, chứ không phải là từ Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo”. Mối nguy hiểm của IS chưa đủ để khiến chính quyền Damascus nguy ngập, mà hiểm họa chính đến từ các hoạt động của liên quân do Mỹ cầm đầu.

Ngoài ra, theo quan điểm của FT, vai trò tích cực trong việc giải quyết vấn đề Syria có tác dụng "thay đổi hình ảnh” Tổng thống Putin ở phương Tây. Cho dù Hoa Kỳ nhìn ông chủ điện Kremlin với con mắt tức tối đến đâu chăng nữa, ông Putin vẫn là nhân vật mà Washington không thể xem nhẹ.

Financial Times cũng lưu ý rằng, những hành động của Nga ở Syria nếu không cân nhắc kỹ lưỡng sẽ "có thể vấp phải sự mạo hiểm".

Tuy nhiên, tờ báo Anh cũng thừa nhận rằng, Moscow đủ sức cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề, từ bảo vệ căn cứ quân sự của mình tại khu vực và ngăn chặn những phần tử cực đoan ở Bắc Kavkaz cho đến việc tham gia tái thiết Syria và mở mang ảnh hưởng của Nga ở toàn Trung Đông.

Tuần dương hạm CG-64 USS Gettysburg và tàu sân bay CVN-75 USS Harry Truman của Mỹ vượt eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải tháng 8-2013, chuẩn bị tấn công Syria

Putin “đăng đàn tố Mỹ” tại Liên Hiệp Quốc

Liên quan đến vấn đề này, tờ Financial Times của Anh và Washington Post của Mỹ đều nhắc độc giả chú ý đến bối cảnh, ngày 28 tháng 9 sắp tới sẽ có cuộc gặp của các Tổng thống Nga và Hoa Kỳ tại phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.

Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc vào ngày 28, Tổng thống Nga Putin sẽ lên tiếng phản đối những lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt, đồng thời tập trung vào cuộc khủng hoảng Syria và mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, trong bài phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nói về Syria, cũng như kêu gọi từ bỏ “tiêu chuẩn kép” trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Nga sẽ phê phán quan điểm phân chia bọn khủng bố thành “tốt” và “xấu”, và tư tưởng bắt tay với đối tượng nào đó có tư tưởng cực đoan để đạt tới một mục tiêu địa-chính trị cụ thể.

Cán cân lực lượng Nga-Mỹ ở Địa Trung Hải tháng 9-2013

Tờ Washington Post viết kèm trích dẫn tuyên bố của các nhà ngoại giao và các chuyên gia phân tích cho biết, đây sẽ là lần đăng đàn đầu tiên của ông Putin trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc trong mười năm qua.

Còn về cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barack Obama dường như là điều “không thể tưởng”. Quan điểm của hai bên mâu thuẫn gay gắt trong vấn đề Syria, mà cụ thể là tương lai của tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nguyên thủ của hai nước liên lạc với nhau qua điện thoại lần gần nhất hồi tháng 7, sau khi ký kết thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran. Trước đó, họ chỉ trao đổi rất ngắn gọn ở Pháp, hồi tháng 6 năm 2014, và tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Australia hồi tháng 11-2014.

Tổng thống Barack Obama đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong năm 2013 do việc Nga quy chế tị nạn và sau đó là quốc tịch Nga cho cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden.

Washington Post nhận định, lần này, những động thái mà Nga thực hiện liên quan tới tình hình ở Syria có thể sẽ thúc đẩy lãnh đạo Mỹ tới một cuộc gặp với Tổng thống Liên bang Nga. Tuy nhiên, có lẽ cuộc gặp cũng không đi đến đâu bởi mục đích của hai bên đối lập nhau.