"Mở đường" cho ngân hàng đất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc bổ sung quy định về "ngân hàng đất nông nghiệp" có thể coi là bước thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Nghị quyết 18 nhằm khắc phục, hạn chế tối đa tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, lãng phí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có bổ sung quy định về “Ngân hàng đất nông nghiệp”.

Dự thảo cho biết, ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Kinh phí hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước; ứng từ quỹ phát triển đất hoặc quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất.

Việc bổ sung quy định về “Ngân hàng đất nông nghiệp” có thể coi là bước thể chế hoá quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (Nghị quyết 18).

[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Nghị quyết 18, đất đai và công bằng xã hội

Trong đó, Nghị quyết 18 định hướng “Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp” nhằm hạn chế tối đa tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, xây dựng chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất.

Trước đó, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai (RILA) đã đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp, đóng vai trò trung gian giữa chủ sử dụng đất và nhà đầu tư để thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp.

Theo RILA, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 27.289 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 82,39% tổng diện tích tự nhiên và chiếm gần 88% tổng diện tích đất đã sử dụng.

Trong đó, có 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác.

Mặt khác, số liệu của RILA cho thấy, chỉ có hơn 60% nguồn lực xã hội dành cho nông nghiệp và chỉ chưa đầy 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Con số này là quá thấp so với tiềm năng tăng trưởng.

Ngoài ra, tình trạng nông dân bỏ ruộng diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, doanh nghiệp lại rất khó để có được một diện tích đất đủ lớn để hoạt động sản xuất; doanh nghiệp muốn thuê đất phải vận động, thương lượng với từng hộ gia đình.

Sơ đồ quy trình hoạt động của Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp (Nguồn: RILA)
Sơ đồ quy trình hoạt động của Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp (Nguồn: RILA)

Theo RILA, việc thành lập ngân hàng quỹ đất nông nghiệp nằm trong lộ trình hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, cho phép tập trung ruộng đất để sản xuất lớn.

"Các giao dịch về đất nông nghiệp sẽ thuận tiện hơn, do chính quyền đứng ra thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất… thì sẽ làm theo quy hoạch, dễ tạo đồng thuận trong dân", RILA đánh giá./.