Gần 10 năm trước, tháng 10/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiến hành Hội nghị lần thứ 6, một hội nghị mà như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy: “Ít có Hội nghị Trung ương nào có nhiều nội dung và dự kiến họp dài như Hội nghị lần này”.
Kéo dài 15 ngày làm việc, Hội nghị bế mạc chiều 15/10 với kết quả “hoàn thành chương trình đề ra”. Thông cáo Hội nghị nêu ra 7 kết quả lớn, trong đó, “vấn đề đất đai” được xếp thứ ba.
Từ kết quả Hội nghị, ngày 31/10/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (viết tắt: Nghị quyết 19).
Thể chế hóa Nghị quyết trên, ngày 29/11/2013, Quốc hội ban hành Luật Đất đai số 45/2013/QH13.
“Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn”, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra đánh giá.
Thời điểm ban hành Nghị quyết 19, quy mô nền kinh tế Việt Nam tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 đạt khoảng 196 tỉ USD (Dữ liệu của WorldBank đã quy đổi theo tỉ giá USD hiện tại) – bằng khoảng già nửa quy mô nền kinh tế ở thời điểm bây giờ.
Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam cũng được cải thiện mạnh từ mức 2.178 USD/người của 2012 lên mức 3.694 USD/người của năm 2021.
Lớp người siêu giàu của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian ấy.
Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) mới nhất của Knight Frank, Việt Nam có 1.234 người siêu giàu vào năm 2021. Người siêu giàu, theo định nghĩa của tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh này, là cá nhân có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên, bao gồm cả giá trị bất động sản cư trú chính.
Knight Frank dự báo lượng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 26% giai đoạn từ nay đến năm 2026. Cụ thể, đến 2026, Việt Nam được dự đoán có 1.551 người siêu giàu. Cùng với đó, lượng người giàu, tức có tài sản ròng từ một triệu USD trở lên sẽ tăng mạnh hơn 59%. Năm ngoái, cả nước ước tính có khoảng 72.135 người giàu theo tiêu chuẩn này. Chỉ sau 4 năm nữa, con số dự kiến đạt đến 114.807 người.
Một công bố của hãng nghiên cứu Wealth-X trước đó cũng từng ghi nhận, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017. Với đà tăng như vậy, tính toán của một số tổ chức kinh tế đã dự báo, tốc độ tăng trưởng như giới siêu giàu của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, đạt con số 12,7% mỗi năm và chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Nên nhớ, năm 2013, Việt Nam mới lần đầu tiên có tỉ phú USD được Forbes xếp hạng. Ông Phạm Nhật Vượng thời điểm ấy vẫn chỉ được nhìn nhận đơn thuần như một tỉ phú bất động sản. Với số tài sản ước đạt 1,5 tỉ USD, nhà sáng lập Vingroup, khi đó 44 tuổi, xếp ở vị trí 974 trong số 1.426 tỉ phú trong danh sách 2013 của Forbes.
Đầu tháng 4 vừa rồi, Forbes cập nhật danh sách tỉ phú thế giới năm 2022. Việt Nam đóng góp 7 cái tên. Đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.
Người giàu nhất Việt Nam – ông Phạm Nhật Vượng – đã giàu lên gấp hơn 4 lần so với chính mình của năm 2013, với khối tài sản sở hữu ở 6,2 tỉ USD, xếp thứ 411 thế giới. Tỉ phú “nghèo” nhất, là ông Trần Bá Dương, có gia sản 1,6 tỉ USD – dù vậy, vẫn giàu hơn người giàu nhất Việt Nam vào năm 2013.
Chiếm phần nhiều nhất trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, như nhiều cơ quan báo chí trong nước thống kê và nói đi nói lại suốt nhiều năm qua là các đại gia bất động sản.
7 tỉ phú USD Việt Nam được Forbes xếp hạng giờ không thuần túy chỉ là những nhà địa ốc. Nhưng nếu xem xét kỹ “hệ sinh thái” kinh doanh của họ, thì hầu như không ai bỏ khuyết mảnh ghép bất động sản.
Một tỉ phú (xin được giấu tên) trong một cuộc ăn trưa với PV VietTimes từng tổng kết: “Ở Việt Nam, làm bất động sản vẫn là ngon nhất”.
Vị khác, một “investment banker” nổi tiếng, có kinh nghiệm thu xếp hàng loạt thương vụ M&A và gọi vốn quốc tế đình đám cho nhiều tập đoàn hàng đầu Việt Nam, thì phân tích: “Trong kinh doanh, có 2 yếu tố quan trọng nhất là tư duy và nguồn lực. Nguồn lực thì gồm con người và vốn. Bất động sản cho sử dụng đòn bẩy vốn cao nhất. Vì thế, làm bất động sản “ăn to” nhất. Nhưng bền hay không thì tôi chưa dám chắc”.
Dĩ nhiên, tất cả chỉ mang tính chất tham khảo. Nhưng có một thực tế mà ai cũng đang nhìn thấy, đó là càng ngày con người ta càng quan tâm hơn đến nhà đất, đến bất động sản. Thị trường ngày càng đón thêm nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển, nhà đầu tư và cả nhà đầu cơ mới (một số gọi là F0).
Số lượng, hình thức, quy mô các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều và đa dạng. Dòng vốn đổ vào thị trường nhà đất ngày một lớn và nóng hơn.
Giá nhà đất đã tăng ở hầu hết các địa phương và khu vực trong 10 năm qua. Phổ biến là bằng lần, thậm chí phi mã trong một thời gian ngắn.
Ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam lý giải hiện tượng giá bán căn hộ cao cấp/siêu sang ở một số dự án đã vượt mức 10.000 USD/m2 trong năm nay. Theo ông này, nó đến từ nhu cầu trong nước tăng cao khi ước tính dân số siêu giàu Việt Nam tăng 26% giai đoạn 2021 – 2026, ngang ngửa với Hong Kong và Đài Loan.
Đất nước giàu lên, xã hội có thêm lớp siêu giàu nhưng ở phía khác, khuất bóng và mênh mông hơn, giấc mơ về việc sở hữu một căn nhà, một mảnh đất - đặc biệt ở các đô thị lớn - ngày càng trở nên xa tầm với một bộ phận đáng kể dân cư. Khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội ngày càng nới rộng. Covid-19 lại đẩy nó nhanh hơn, mạnh hơn và rộng hơn.
Một biểu hiện rất thực tế, đó là số lượng các vụ khiếu kiện về đất đai lại ngày một gia tăng. Về cả quy mô lẫn tính chất. Ít năm trở lại đây, chúng ta liên tục chứng kiến các đại gia và quan chức bị xử lý kỷ luật, thậm chí khởi tố vì các vi phạm liên quan đến đất đai. Trong số đó có không ít cán bộ cấp cao.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa đánh giá: Công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hoá hoặc thể chế hóa chậm, chưa đầy đủ. Trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu. Đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước;…
“So với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI năm 2012) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, thì sau 10 năm, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII này có đến 05 lần sử dụng cụm từ "công bằng xã hội". Rõ là nhận thức rất mới. Bỏ khung giá đất cũng là điểm mới, sẽ tạo chuyển biến lớn”, TS. Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, đã viết như vậy trên trang cá nhân ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (viết tắt: Nghị quyết 18).
Ông Đáng hiện công tác tại Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh – trung tâm lý luận và học thuật hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2019, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách tại Trường Quản lý nhà nước Mark O.Hatfield, đại học Portland State (Hoa Kỳ). Luận án của ông có đề tài: “Sự không chấp hành thu hồi đất ở Việt Nam: tiếp cận công cụ chính sách”.
- PV VietTimes: Tôi có đọc dòng trạng thái cá nhân mà ông đã chia sẻ. Ông có thể nói cụ thể hơn về những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết số 18?
TS. Nguyễn Văn Đáng: Về cơ bản thì Nghị quyết 18 mới đây vẫn tiếp tục những quan điểm và nguyên tắc nền tảng của Đảng Cộng Sản Việt Nam về đất đai, như khẳng định chế độ sở hữu toàn dân với đất đai hay vai trò đại diện chủ sở hữu và quản lý của nhà nước. Bên cạnh đó, cá nhân tôi thấy ba điểm mới có thể dẫn đến những thay đổi về chính sách đất đai, thị trường quyền sử dụng đất, cũng như các quan hệ xã hội liên quan đến đất đai.
Thứ nhất, Nghị quyết 18 mới đây nhấn mạnh hơn nhu cầu bảo đảm “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” đối với công tác hoạch định và thực thi chính sách đất đai. Nếu “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” chỉ được nhắc đến một lần trong Nghị quyết 19 năm 2012, thì tại Nghị quyết 18 năm 2022, “hài hòa lợi ích” được nhắc đến 03 lần và “công bằng xã hội” được nhắc đến 05 lần.
Thứ hai, Nghị quyết 18 chủ trương bỏ khung giá đất, xây dựng cơ chế và phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đây là điểm đột phá, có thể giúp giảm thiểu chênh lệch giữa mức giá mà nhà nước đền bù đất khi bị thu hồi so với giá đất giao dịch trên thị trường.
Thứ ba, Nghị quyết 18 chủ trương áp dụng mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất.
- Tại sao ông lại cho rằng, nhấn mạnh nhu cầu hài hòa lợi ích và công bằng xã hội là điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 18 về đất đai?
Phát biểu khai mạc Hội nghị TW5 khóa XIII mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra hiện nay vẫn có tới hơn 70% các vụ khiếu nại, khiếu kiện là liên quan đến đất đai.
Căn nguyên hàng đầu của những căng thẳng, mâu thuẫn xã hội, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện là gì khác nếu không phải là sự bất đồng lợi ích liên quan đến đất đai?
Chúng ta dễ dàng tìm ra những vụ việc mà ở đó, người dân phải khiếu nại kéo dài bởi họ là bên liên quan chịu nhiều thiệt hại nhất sau khi quyền sử dụng đất bị thu hồi. Trong khi đó, rất nhiều người trở nên giàu có nhờ có được quyền sử dụng đất một cách dễ dàng. Nhiều cán bộ vướng vòng lao lý, tan nát sự nghiệp cũng vì lợi dụng kẽ hở chính sách để vụ lợi từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai.
Tôi cho rằng, sự phát triển của một địa phương hay sự giàu lên của một số nhóm xã hội này không thể phải trả giá bằng sự bần cùng của nhóm xã hội khác. Chừng nào chính sách đất đai còn tạo ra khoảng cách lớn giữa kẻ được và người mất, chừng đó sẽ vẫn luôn xuất hiện những căng thẳng, mâu thuẫn xã hội liên quan đến đất đai. Nhấn mạnh nhu cầu hài hòa lợi ích và công bằng xã hội tức là coi trọng hơn sự phân phối đồng đều các lợi ích từ đất đai đến các nhóm xã hội khác nhau.
Do đó, đề cao nguyên tắc hài hòa lợi ích và công bằng xã hội, Nghị quyết 18 đã nhận thức rằng để giảm các điểm nóng tranh chấp đất đai ở nước ta hiện nay, hướng đến sự phát triển bền vững, thì thách thức hàng đầu là cần phải bảo đảm sự công bằng về thụ hưởng lợi ích giữa các bên liên quan đến đất. Cụ thể hơn thì lợi ích của các nhóm yếu thế, tức là những người bị thu hồi đất, cần được quan tâm đúng mức hơn.
- Đã có nhiều ý kiến bàn luận về chế độ sở hữu toàn dân với đất đai ở nước ta. Phải chăng việc tiếp tục áp dụng chế độ sở hữu toàn dân với đất đai là để hướng tới bảo đảm công bằng xã hội?
Ở bất cứ xã hội nào thì đất đai cũng là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng, một loại hàng hóa đặc biệt. Trong lịch sử nhân loại, việc nắm giữ đất đai đã từng là yếu tố quyết định, phân chia địa vị xã hội cũng như thân phận của mỗi cá nhân con người. Bởi thế, một hệ quả của chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là nó có thể khắc sâu thêm sự bất bình đẳng xã hội, thậm chí là bất công xã hội. Bất bình đẳng xã hội xảy ra khi cá nhân không ngang nhau về cơ hội và quyền đối với đất; bất công xã hội xảy ra khi đất đai và lợi ích thu được từ đất chỉ tập trung vào một số nhóm thiểu số nào đó.
Nhận thức rõ những hệ quả tiêu cực từ sự không công bằng xã hội, K. Marx là người đặc biệt đề cao sự bình đẳng về thụ hưởng thành quả phát triển. Vì thế, trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” công bố năm 1848, đề xuất chính sách số một của K. Marx là xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về đất đai và sử dụng mọi loại địa tô cho các mục đích công cộng.
Như vậy, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không chỉ là một nguyên tắc kinh tế chính trị học nền tảng của chủ nghĩa Marx – Lê Nin mà cũng chính là điều kiện cần để có thể bảo đảm công bằng xã hội. Bên cạnh sở hữu toàn dân, điều kiện đủ là làm thế nào các nguồn lực thu từ đất đai được sử dụng để phục vụ các lợi ích công cộng, chứ không phải lợi ích cá nhân hay nhóm.
Video TS. Nguyễn Văn Đáng trao đổi về Nghị quyết 18 |
Hiện nay, xét các quyền đối với đất đai thì người dân Việt Nam không hề thua kém người dân ở các nước áp dụng chế độ sở hữu tư nhân với đất đai. Những vấn đề xã hội liên quan đến đất đai nảy sinh ở nước ta thời gian qua liên quan nhiều hơn đến các quy định về vai trò của nhà nước, hệ thống quản lý đất đai, hay chuyển nhượng các quyền về đất đai.
Do đó, thách thức với chúng ta hiện nay là dựa trên nền tảng chế độ sở hữu toàn dân, hệ thống chính sách đất đai phải bảo đảm rằng các nguồn lợi từ đất đai được phân phối đồng đều đến các nhóm xã hội, giảm thiểu nguy cơ trục lợi vị kỷ.
- Ông cũng viết rằng “bỏ khung giá đất cũng là điểm mới, sẽ tạo chuyển biến lớn”. Cụ thể là thế nào thưa ông? Tôi muốn nhấn mạnh vào cơ chế tác động.
Từ trước đến nay, quan điểm truyền thống vẫn là giá đất ở nước ta do nhà nước quyết định. Cụ thể, điều 113 và 114 Luật đất đai 2013 quy định khung giá đất do chính phủ ban hành, có giá trị áp dụng trong 5 năm. Dựa vào đó, các chính quyền địa phương sẽ ban hành bảng giá đất. Khung giá đất sẽ chỉ được điều chỉnh khi giá đất trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa và giảm 20% trở xuống so với giá tối thiểu.
Quy định như vậy đã tạo ra các “trần” giá đất khi nhà nước có nhu cầu thu hồi và phải đền bù. Thực tế giá đất luôn biến động cho nên dù có áp dụng mức kịch khung thì giá đất đền bù vẫn luôn thấp hơn rất nhiều so với giá đất giao dịch trên thị trường tự do. Đây chính là căn nguyên hàng đầu của những mâu thuẫn, căng thẳng kéo dài liên quan đến đất đai.
Bỏ khung giá đất và xây dựng các phương án định giá bám sát giá đất trên thị trường được kỳ vọng sẽ bảo đảm lợi ích của các bên liên quan, nhất là các nhóm xã hội yếu thế. Từng bước xóa bỏ tình trạng hai giá đất (giá nhà nước và giá trị trường) không chỉ giúp giảm thiểu cơ hội trục lợi từ đất đai mà còn góp phần thực hiện công bằng xã hội.
- Luật đất đai 2013 quy định Nhà nước “Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Thực tế các dự án của tư nhân làm chủ đầu tư cũng viện dẫn “vì mục đích công cộng”, dẫn tới nhiều bức xúc, bất bình của người bị thu hồi đất. Xin ông có bình luận gì về quy định này và tới đây quy định này cần phải sửa đổi như thế nào?
Một hạn chế trong luật đất đai của chúng ta là còn nhiều khái niệm chưa rõ ràng, có thể diễn giải theo lăng kính chủ quan của người thực thi chính sách. Chẳng hạn, “phát triển kinh tế - xã hội” là khái niệm rất rộng, dễ bị lợi dụng để trục lợi. Trên thực tế, khi thực hiện các dự án kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng thì thường đem lại ít hoặc không có lợi nhuận, nên doanh nghiệp tư nhân ít tham gia. Còn khi doanh nghiệp tư nhân tích cực tham gia vào các dự án với mục đích phục vụ lợi ích công cộng thì cần hết sức cảnh giác nguy cơ trục lợi.
Tôi cho rằng, nếu sửa đổi Luật đất đai, bên cạnh thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, thì chúng ta chỉ nên quy định: nhà nước thu hồi đất để phục vụ các lợi ích công cộng. Cùng với đó là định nghĩa cụ thể về “lợi ích công cộng” và chi tiết hóa loại hình dự án cùng cách thức thực hiện để bảo đảm nguyên tắc phục vụ lợi ích công cộng. Quy định như vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ diễn giải tùy tiện, lợi dụng kẽ hở chính sách để mưu lợi cho cá nhân, nhóm dưới vỏ bọc lợi ích công cộng.
- Cũng trong Nghị quyết 18, chúng ta thấy một điểm mới đó là chủ trương: Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Nó có hàm ý rằng, tới đây, Nhà nước sẽ tiến hành đánh thuế tài sản không, thưa ông?
Chủ trương đó phản ánh thực tế hiện nay khi rất nhiều nơi đất đai được thu hồi chuyển đổi nhưng cuối cùng để hoang hóa dẫn đến lãng phí. Người giàu mua rất nhiều nhà nhưng thực tế họ không ở, cứ bán đi bán lại để đẩy giá thị trường đầu cơ lên.
Việc Nghị quyết đưa ra quy định ý muốn kiểm soát giá, số lượng nhà hay diện tích đất đai, theo tôi, là hợp lý vì nó có thể giảm bớt vấn đề đầu cơ.
Song lưu ý, nếu đánh thuế tài sản cũng sẽ kèm theo những hệ luỵ. Ví dụ như việc quy định ngôi nhà thứ 2 giá cao hơn thì nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc hơn khi mua. Thị trường bất động sản khả năng sẽ bị ảnh hưởng, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này cũng sẽ bị tác động. Và dĩ nhiên, nó sẽ ảnh hưởng tới bài toán tăng trưởng.
Quan điểm của tôi là vẫn ủng hộ đánh thuế tài sản. Tuy nhiên phải nghiên cứu thật kỹ, đánh giá đầy đủ các tác động và có cơ chế đánh thuế linh hoạt, hợp lý nhất.
- Tăng trưởng có đồng nghĩa với phát triển không, thưa ông?
Khi nói về phát triển thì tăng trưởng kinh tế là trụ cột hàng đầu, bên cạnh phát triển con người, phát triển xã hội, và bảo vệ môi trường. Cho nên, tốc độ tăng trưởng kinh tế bản thân nó không nghiễm nhiên đồng nghĩa với phát triển.
Ví dụ, tại 1 tỉnh có tốc độ tăng trưởng rất cao, xây dựng nhiều trung tâm đô thị, thành phố nhưng khi ra vùng nông thôn thì khác một trời một vực. Điều đó chứng tỏ của cải làm ra rất nhiều nhưng chỉ tập trung phục vụ nhóm thiểu số ở trung tâm đô thị, còn ở những vùng nông thôn rộng lớn thì vẫn rất khó khăn, thiếu thốn. Như thế chưa thể coi là phát triển.
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế là trụ cột số 1 khi nói đến sự phát triển, tức làm ra nhiều của cải hơn. Nhưng để trở thành một nước phát triển, ngoài làm giàu về của cải thì việc phân phối của cải ấy trên quy mô cộng đồng mới là vấn đề quan trọng. Phát triển có nghĩa là phải tạo ra sự thay đổi về chất lượng cuộc sống của con người trên quy mô cộng đồng xã hội, chứ không đơn giản chỉ gia tăng của cải.
- Một đại gia từng nói với tôi, rằng “anh thấy đó, người giàu chúng tôi cũng chỉ ăn ba bữa; giàu có đó nhưng ăn chơi cũng được đáng bao nhiêu. Của cải chúng tôi tạo ra phần lớn cũng là làm giàu cho xã hội chứ. Tạo công ăn việc làm, tạo ra các công trình, tạo ra GDP”. Tôi nghe khá hợp lý. Rõ ràng người giàu và khát khao làm giàu của họ đã kéo cả nền kinh tế đi lên. Vậy thưa ông, trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách công, chúng ta nên ưu tiên người giàu hay người nghèo? Lúc nào và tại sao?
Mỗi chính sách đều hướng đến các nhóm mục tiêu, tức là những nhóm xã hội sẽ chịu tác động bởi chính sách đó. Các nhóm này có thể bao gồm cả người giàu và người nghèo cho nên thực tế cũng khó tách bạch.
Bởi thế, mức độ giàu – nghèo của các nhóm mục tiêu là yếu tố cần tính đến nhưng không phải tiêu chí tiên quyết để hoạch định chính sách nói chung.
Khi nhà nước muốn điều tiết thu nhập và của cải giữa các nhóm xã hội thì có thể ban hành những chính sách sẽ chủ yếu tác động đến nhóm khá giả. Chẳng hạn, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà ở hay thâu tóm đất đai rồi bỏ hoang, nhà nước có thể áp thuế tài sản dựa trên số lượng nhà hay diện tích đất mà cá nhân, tổ chức sở hữu.
Mặc dù chính sách này có thể tạo thêm cơ hội tiếp cận nhà ở và đất đai cho các nhóm nghèo hơn nhưng thực tế tác động trước hết mà chính sách tạo ra là đối với nhóm khá giả, những người có thể nắm giữ nhiều nhà, đất.
Ngược lại, khi nhà nước muốn nhắm đến hỗ trợ các nhóm nghèo, yếu thế thì có thể ban hành các chính sách về hỗ trợ đất đai, tín dụng để các nhóm này tiếp cận và mua được nhà ở, ta vẫn gọi là “nhà ở xã hội”. Nhìn chung, với các chính sách mà nhóm mục tiêu là các cá nhân yếu thế thì thường được gọi chung là chính sách xã hội.
Chúng ta không đặt ra vấn đề ưu tiên người giàu hay người nghèo trong hoạch định chính sách công. Hướng đến nhóm xã hội nào sẽ phụ thuộc vào vấn đề chính sách cần giải quyết và quan điểm của chính quyền. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là các chính sách công của nhà nước luôn phải bảo vệ lợi ích công.
- Chân thành cảm ơn ông!
"Tôi hoan nghênh chủ trương bỏ khung giá đất"
Thực hiện: Văn Lâm
Trình bày: Đăng Khoa