Meta đã chấp nhận trả 725 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể cáo buộc gã khổng lồ truyền thông xã hội cho bên thứ ba quyền truy cập vào dữ liệu người dùng mà không có sự đồng ý của họ.
Keller Rohrback L.L.P, công ty luật đại diện cho các nguyên đơn, cho biết đây là “số tiền thu hồi lớn nhất từng đạt được trong một vụ kiện tập thể về quyền riêng tư và số tiền nhiều nhất mà Facebook từng trả để giải quyết một vụ kiện tập thể về quyền riêng tư”.
Vụ kiện tập thể đã được nhen nhóm vào năm 2018 sau khi Facebook tiết lộ rằng thông tin của 87 triệu người dùng đã bị chia sẻ với Cambridge Analytica, một công ty tư vấn có liên quan đến chiến dịch bầu cử năm 2016 của cựu Tổng thống Donald Trump.
Vụ kiện được mở rộng điều tra tập trung vào các hoạt động chia sẻ dữ liệu tổng thể của Facebook. Các nguyên đơn cáo buộc rằng Facebook “đã cấp cho nhiều bên thứ ba quyền truy cập vào nội dung và thông tin trên Facebook của họ mà không có sự đồng ý của họ và Facebook đã không giám sát đầy đủ quyền truy cập và sử dụng thông tin đó của bên thứ ba,” theo công ty luật đứng sau vụ kiện.
Các thẩm phán giám sát vụ việc ở Quận phía Bắc của California giờ đây sẽ phải phê duyệt thỏa thuận dàn xếp.
“Chúng tôi chấp nhận thỏa thuận vì nó mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng và các cổ đông của chúng tôi. Trong ba năm qua, chúng tôi đã cải tiến cách tiếp cận quyền riêng tư và triển khai một chương trình bảo mật toàn diện,” một phát ngôn viên của Meta nói với CNBC.
Vụ bê bối Cambridge Analytica
Vụ bê bối Cambridge Analytica đã gây ra sự phẫn nộ toàn cầu và một loạt các cơ quan quản lý trên toàn thế giới xem xét kỹ lưỡng các hoạt động dữ liệu của Facebook.
Sau những tiết lộ, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra về Facebook vì lo ngại rằng công ty truyền thông xã hội này đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận trước đó với cơ quan này, trong đó yêu cầu Facebook phải thông báo rõ ràng cho người dùng khi dữ liệu của họ được chia sẻ với bên thứ ba.
Facebook vào năm 2019 đã đồng ý thỏa thuận giải quyết kỷ lên tới lục 5 tỉ USD với FTC. Facebook cũng đồng ý trả 100 triệu USD để giải quyết vụ việc cùng lúc với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ về những cáo buộc công ty đã tiết lộ sai lệch về nguy cơ lạm dụng dữ liệu người dùng.
Cambridge Analytica, đã đóng cửa sau các cáo buộc vào năm 2018, đã gây tranh cãi vì dữ liệu mà công ty thu thập từ Facebook sử dụng cho các chiến dịch chính trị.
Vào năm 2018, Kênh 4 News của Anh đã quay phim các giám đốc điều hành của Cambridge Analytica và cho rằng công ty sẽ sử dụng gái mại dâm, hối lộ, gián điệp và tung tin giả để giúp các ứng cử viên giành được phiếu bầu trên khắp thế giới.
Kể từ sau vụ bê bối, Facebook đã đổi tên thành Meta để phản ánh tham vọng ngày càng lớn của mình là trở thành người dẫn đầu trong metaverse, một thuật ngữ dùng để chỉ thế giới ảo. Facebook hiện vẫn là một trong những công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, được điều hành bởi Meta.
Tuy nhiên, Facebook đã chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại do thị trường quảng cáo dần thay đổi sau các quy tắc bảo mật iOS của Apple và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ TikTok.
Theo CNBC