Elon Musk đưa Twitter đi đến đâu sau 6 tháng làm CEO?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Elon Musk luôn tự tin cho rằng chính ông đã vực dậy, cứu nền tảng mạng xã hội này trước bờ vực phá sản và công ty đã bắt đầu hòa vốn sau khi ông tiếp quản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không đồng tình với Musk.
Ảnh: Google
Ảnh: Google

Khi Elon Musk lần đầu ngỏ ý mua Twitter, ông đã hứa sẽ làm cho công ty trở nên “thành công hơn bao giờ hết”, với tính minh bạch cao, hoạt động kinh doanh phát triển và nhiều thứ nữa mà ông gọi là “tự do ngôn luận”.

Nhưng 6 tháng sau khi Musk nắm quyền kiểm soát Twitter, tương lai của công ty và nền tảng này trở nên vô định, mịt mù.

Sau khi mua lại nền tảng truyền thông xã hội với giá 44 tỉ USD vào cuối tháng 10, theo báo cáo, Musk hiện định giá Twitter chỉ còn 20 tỉ USD. Suốt quá trình điều hành ông đã thực hiện hàng loạt thay đổi gây tranh cãi, như sa thải gần 80% trong số 7.800 nhân viên, chỉ giữ lại 1.500 nhân viên, tăng giá dịch vụ tích xanh Twitter Blue, hủy bỏ nhiều thỏa thuận trước đó với đối tác, không trả tiền thuê trụ sở.

Leslie Miley, cựu giám đốc kỹ thuật của Twitter, người đã thành lập nhóm an toàn và bảo mật sản phẩm và rời công ty vào năm 2015, cho biết: “Nếu ông ấy (Elon Musk) không làm gì ngoài việc cắt giảm chi phí, thì Twitter đã ổn rồi".

Leslie Miley nói rằng Twitter “cuối cùng sẽ đi theo con đường của MySpace- mạng xã hội nổi tiếng nhiều năm trước và giờ không còn người dùng”.

“Sẽ cần một thời gian nữa, nhưng tôi nghĩ Twitter đang dần không còn phù hợp” ông Miley nói, “Twitter không có chiến lược nào để thu hút hoặc giữ chân người dùng vì bạn không mang lại giá trị gì cho họ”.

Đánh mất lợi thế của nền tảng

Trong nhiều năm, Twitter đã khác biệt với các nền tảng xã hội khác nhờ khả năng chia sẻ tin tức thời gian thực và đáng tin cậy từ các tài khoản chính trị gia, người nổi tiếng hoặc các tên tuổi có sức ảnh hưởng lớn trong từng lĩnh vực. Đây cũng là nơi được báo chí, doanh nghiệp và người dùng thu thập thông tin.

Tuy nhiên, nhiều động thái gần đây của ông Musk có nguy cơ làm suy yếu thế mạnh đó của nền tảng. Ông xóa tick xanh từng cấp trước đó nhằm ép các chủ tài khoản trả phí 8 USD mỗi tháng. Vấn đề lập tức gây rối loạn, được CNN đánh giá "còn tệ hơn so với những gì người dùng đã biết đến thời gian qua".

Đầu tháng này, tỉ phú Mỹ viết trên Twitter rằng "không nên có tiêu chuẩn khác cho những người nổi tiếng" trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc bất cứ ai cũng có thể mua tick xanh khiến việc mạo danh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

"Người ta có thể tạo tài khoản giả của người nổi tiếng, sau đó trả 8 USD để biến nó thành một nguồn đáng tin cậy. Chính sách mới cũng giúp nội dung đăng trên tài khoản có tích xanh lan truyền nhanh hơn. Thật sự nguy hiểm", giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Indiana, Filippo Menczer, nhận xét.

Theo ông, cách làm này cuối cùng sẽ biến Twitter thành nơi ít tự do ngôn luận, đầy rẫy tin giả, mất đi tính trung thực đã tạo nên thương hiệu này. Đây là điều trái ngược với mục tiêu của Musk về "quảng trường tự do" khi bỏ ra 44 tỉ USD để mua mạng xã hội.

"Có nhiều vấn đề trước đó của Twitter, nhưng nó vẫn là nơi chia sẻ thông tin quan trọng. Thật sự, Musk đang hủy hoại nó một cách có hệ thống", cựu chủ tịch phụ trách tin tức toàn cầu của Twitter nói.

Nhà quảng cáo và người dùng rời bỏ Twitter

Bất cứ nền tảng mạng xã hội nào, thành công hay không đều phải dựa vào khả năng giữ chân và thu hút người dùng. Tuy nhiên, một số tài khoản của người nổi tiếng và tổ chức đã cho biết họ đang lên kế hoạch rời khỏi Twitter do sự ngẫu hứng và thất thường của Elon Musk. Nhiều cơ quan truyền thông, bao gồm NPR, BBC và CBC, đã rời khỏi Twitter sau khi tài khoản của họ bị đánh dấu là "phương tiện truyền thông do chính phủ tài trợ", vì lo ngại bị hiểu lầm.

"Hầu hết mọi thứ Musk hứa làm cho Twitter, ông ấy đều có thể làm sai theo bất kỳ cách nào đó", Miley nhận xét. "Nếu nói rằng nó không gây thiệt hại cho người dùng và tổ chức phụ thuộc vào nền tảng, điều đó thật buồn cười".

Sự hỗn loạn đã khiến các nhà quảng cáo - nguồn thu nhập chính, chiếm 90% doanh thu của Twitter trước đây - cũng ngừng hợp tác. Họ lo ngại về ngôn từ kích động gia tăng trên nền tảng, cũng như tương lai bất ổn của nó.

Theo Sensor Tower, chỉ có 43% trong số 1.000 nhà quảng cáo hàng đầu trên Twitter còn ở lại, tính từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, Elon Musk vẫn cho rằng ông đã cứu nền tảng này trước bờ vực phá sản và công ty đã bắt đầu hòa vốn sau khi ông tiếp quản.

Danh tiếng của Elon Musk

Ông Musk vốn đã nổi tiếng với việc sản xuất ô tô điện Tesla và tiên phong chinh phục vũ trụ trong lĩnh vực tư nhân với SpaceX. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách ông điều hành Twitter đã tạo ra một cái nhìn mới về tỉ phú Mỹ.

"Ông ấy có thể đang thử một mô hình kinh doanh khác với Twitter", giáo sư Luigi Zingales của Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago nhận xét. "Theo tôi, ông ấy cảm thấy việc sử dụng dữ liệu người dùng để quảng cáo đang bị lạm dụng".

Thực tế, phương pháp đổi mới này đang được một số đối thủ học hỏi, chẳng hạn như Meta - công ty đứng sau mạng xã hội Facebook, cũng chuẩn bị áp dụng hệ thống thu phí tick xanh trên nền tảng của mình.

Giáo sư William Klepper của Columbia Business School cho rằng nhà đầu tư sẽ phải cẩn trọng hơn khi phân tích hành động của Musk trước khi đầu tư vào các công ty do ông điều hành. "Danh tiếng của Musk đã giảm sút đáng kể và một khi mất nó, rất khó để phục hồi", ông Klepper nói. "Điều này sẽ là cơ hội để ông Musk suy nghĩ lại xem liệu mình có thực sự có tài lãnh đạo hay không".

Vào tháng 12 năm ngoái, Musk đã nói rằng ông sẽ từ chức CEO Twitter sau một cuộc khảo sát trên nền tảng, nhưng ông cho rằng sẽ rất khó để tìm được người đủ dũng cảm để điều hành mạng xã hội này.

Theo CNN