Đây là sự kiện do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Đại học RMIT Việt Nam phối tổ chức nhân Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2023.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, qua 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, đồng hành, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu, đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Kết quả, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo ông Hoàng Minh Chiến – Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm hay doanh nghiệp thì có rất nhiều yếu tố cấu thành và các chủ thể của thương hiệu đều phải có những lộ trình bài bản, rõ ràng. Quan trọng nhất là phải xây dựng được niềm tin cho khách hàng với các sản phẩm của mình.
Ông Trần Lê Hồng – Phó cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thì khẳng định, mọi thương hiệu đều gắn với sở hữu trí tuệ, thẩm mỹ công nghiệp và tên miền Internet. Cũng cần khẳng định thêm rằng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu của mỗi doanh nghiệp đều là bí quyết kinh doanh của các chủ thể sở hữu nó. Các thương hiệu cũng luôn đi đôi với đổi mới sáng tạo trong một thị trường rộng mở luôn đòi hỏi yếu tố này.
Đáng chú ý là thuyết trình của bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc miền bắc Việt Nam của công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ về giải pháp truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên số. Ngày nay, Internet là không thể thiếu với người tiêu dùng toàn cầu và để quảng bá các thương hiệu của mình thì các doanh nghiệp nên tranh thủ sức mạnh của truyền thông số.
Theo bà Hà, với đông đảo khách hàng thì nhận thức còn quan trọng hơn sản phẩm và đó là vấn đề sống còn với mọi doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh được thị trường thì phải tranh thủ môi trường truyền thông số một cách tối đa. Truyền thông ở đây không chỉ là tới khách hàng mà còn phải làm tốt với nội bộ đội ngũ nhân viên của mình để chính họ cũng là người sử dụng trung thành với sản phẩm của chính nơi mà họ đang làm việc.
Kết luận diễn đàn, ông Hoàng Minh Chiến khẳng định, xây dựng thương hiệu là vấn đề sống còn với các doanh nghiệp Việt Nam và chắc chắn có rất nhiều việc phải làm một cách chuẩn chỉ và bài bản. Thương hiệu chắc chắn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hoá,