Bác sĩ nghẹn ngào vì bức tâm thư của cụ ông 72 tuổi gửi vợ mắc COVID-19 nặng phải thở máy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi được đọc bức tâm thư của cụ ông 72 tuổi gửi gửi vợ mắc COVID-19 nặng phải thở máy, BS. Lê Văn Thiệu – người trực tiếp điều trị cho cả 2 vợ chồng bệnh nhân không khỏi nghẹn ngào, xúc động.
Bà A. (bên trái) và ông H. (bên phải) mắc COVID-19 nặng đều được điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - MT)
Bà A. (bên trái) và ông H. (bên phải) mắc COVID-19 nặng đều được điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - MT)

Bất ngờ trước lời yêu cầu khẩn thiết của bệnh nhân

2 vợ chồng bệnh nhân mắc COVID-19 nặng là người cao tuổi đều được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đã tận mắt chứng kiến câu chuyện cảm động của họ về tình cảm gia đình.

Trao đổi với PV VietTimes về quá trình điều trị của vợ chồng bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, BS. Lê Văn Thiệu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: “Bà T.T.A., 71 tuổi cùng chồng là ông T.N.H., 72 tuổi, sống ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Bà A. và ông H. có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 từ ngày 26/7. Vợ chồng bà A. và ông H. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng mắc COVID-19 nặng, phải thở oxy”.

Theo BS. Thiệu, bà A. vào viện trước ông H. 4 ngày. Khi ông H. vào viện cũng là lúc bà A. được các bác sĩ đặt ống thở vì cơ thể không đáp ứng đủ oxy. Mặc dù bà A. tỉnh táo, tiếp xúc bình thường nhưng hình ảnh tổn thương phổi rất nặng, khoảng phổi lành còn rất ít. Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng oxy trong cơ thể của bà A. không đủ nên các sĩ chỉ định bệnh nhân phải đặt ống thở.

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - BVCC)

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - BVCC)

Khi các bác sĩ chuẩn bị đặt ống thở cho bệnh nhân, bà A. bất ngờ muốn nhắn nhủ với các bác sĩ, mong các bác sĩ giúp bà thực hiện một việc vô cùng quan trọng. Bà A. nói: “Xin bác sĩ cho chồng tôi thở máy. Tôi không cảm thấy khó thở, nên không cần”.

Sau khi nghe được câu nói này của bệnh nhân, BS. Thiệu đã rất bất ngờ và xúc động. BS. Thiệu tâm sự: “Lúc bệnh nhân A. muốn nhắn nhủ yêu cầu của mình tới các bác sĩ là vào 17h chiều. Khi các bác sĩ chuẩn bị đặt ống thở cho bệnh nhân thì bà A. đã nghĩ ngay đến việc này. Mặc dù các bác sĩ đã giải thích kỹ càng cho bệnh nhân về việc đặt ống thở nhưng trong lúc giải thích thì chồng của bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện để điều trị. Vì thế, bệnh nhân cho rằng bản thân nhường máy thở cho chồng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, Bệnh viện không thiếu máy thở. Tôi cùng các bác sĩ đã giải thích cho bệnh nhân rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của chồng bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay như bà”.

Để bệnh nhân thực sự yên tâm điều trị, BS. Thiệu đã nói với bà A.: "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả 2 ông bà”. Sau khi nghe được lời chia sẻ của BS. Thiệu, nét mặt của bà A. đã có sự an tâm. Sau đó, bà đi vào giấc ngủ để các bác sĩ tiến hành can thiệp.

Bức tâm thư chứa đựng tình cảm và nước mắt trong 71 năm

Sau khi bệnh nhân A. được đặt ống thở, ông H. – chồng bà A. cũng sử dụng máy thở để điều trị COVID-19.

BS. Thiệu cho hay: “Thực tế, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải đặt ống thở khá cao. Tuy nhiên, cả 2 vợ chồng bệnh nhân ông H., bà A. hồi phục nhanh hơn các trường hợp khác và đều được rút ống thở trong cùng 1 ngày do bà A. được đặt ống thở trước. Mặc dù thời gian hồi phục nhanh nhưng bệnh tình của bà A. có phần nặng hơn vì phải dùng thuốc an thần dài ngày”.

Đến thời điểm hiện tại, bà A. vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn, vẫn trong trạng thái kích thích mê man. Còn ông H. đã tỉnh táo nhưng vẫn phải thở oxy. Ngay sau khi cơ thể hồi phục, ngày 12/8, ông H. đã mượn các bác sĩ của Khoa Cấp cứu giấy và bút để viết thư gửi cho vợ mình.

Mệt mỏi vì chống chọi với COVID-19, tay vẫn còn run nhưng ông H. đã trực tiếp viết những dòng thư chan chứa nước mắt và tình cảm gia đình. Trong thư gửi vợ, ông viết: “71 năm. Cưới nhau không giúp đỡ nhau được cái gì. Có thể người ở người đi. Ai là người ở lại thì có trách nhiệm với gia đình. Em ơi cố lên”.

Bức tâm thư của ông H. viết trên giường bệnh gửi vợ mắc COVID-19 nặng (Ảnh - BVCC)

Bức tâm thư của ông H. viết trên giường bệnh gửi vợ mắc COVID-19 nặng (Ảnh - BVCC)

Câu cuối cùng trong bức tâm thư của ông H. “Em ơi cố lên” đã khiến BS. Thiệu và tất cả các bác sĩ đang làm việc ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vỡ oà trong cảm xúc.

Sau đó, một điều dưỡng đã trực tiếp cầm bức thư của ông H. đến bên giường bệnh của bà A. để đọc cho bà nghe. Nghe được những lời tâm sự ngắn nhưng chứa đựng tình cảm vợ chồng suốt 71 năm “chia ngọt sẻ bùi”, bà A. đã không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc đã lăn dài trên má của người vợ đi qua 71 mùa xuân cùng chồng.

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, tận mắt chứng kiến câu chuyện của họ, BS. Thiệu bày tỏ: “Câu chuyện của vợ chồng bệnh nhân A. là cả một quá trình dài 2 người cùng nhau chống chọi với COVID-19 ở Bệnh viện. Câu chuyện của họ không chỉ là câu chuyện thấm đẫm tình cảm gia đình mà còn là hành trình của các bác sĩ đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Mặc dù quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng rất dài nhưng sự thay đổi và tiến triển của họ chính là động lực để tôi và tất cả các bác sĩ ở Bệnh viện quyết tâm hơn nữa trong việc chữa trị cho bệnh nhân, giúp họ được trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình”.