Hôm nay thứ hai, ngày 12/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, TP.HCM đưa kiến nghị, đề xuất mở rộng cách ly F1 tại nhà trong các khu chung cư, nhà xây mới bảo đảm điều kiện, với sự giám sát của 17.000 tổ COVID-19 cộng đồng, ứng dụng CNTT trong kiểm soát cách ly tại nhà.
Cụ thể, tại cuộc họp, Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM đã dẫn chứng cho biết, ngoài 11 khu cách ly tập trung hiện tại đã đang vận hành, thành phố đang chuẩn bị đưa vào hoạt động các khu cách ly, điều trị, thành lập Bệnh viện Dã chiến nằm trong 5 khối nhà chung cư tái định cư ở Thủ Thiêm.
Được biết, Bệnh viện Dã chiến này sẽ có 18.000 giường điều trị và 6.000 chỗ cách ly tập trung. Đây là khu vực chung cư xây mới với mục đích tái định cư nhưng chưa đi vào sử dụng.
Một mặt, TP.HCM tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung, Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 như đã nói ở trên. Mặt khác, TP vẫn đưa đề xuất kiến nghị mở rộng phạm vi cách ly F1 trong các khu chung cư, nhà xây mới là vì cho đến hiện tại, các khu cách ly, điều trị COVID-19 đã đi vào hoạt động đều lập tức quá tải do số lượng bệnh nhân quá lớn. Nhiều quận, huyện, khu vực đã xuất hiện các ca dương tính chưa thể tìm ra Bệnh viện tiếp nhận điều trị phù hợp.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên (bên trái) và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bên phải) kiểm tra Khu cách ly F1 tại Khu tái định cư 38,4 ha, Chung cư R1, R2, R3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) ngày 11/7/2021. Ảnh: Long Hồ. |
Đồng thời với việc quá tải bệnh nhân F0 là một con số F1 cực kỳ lớn. Được biết, tính đến nay, TP.HCM đang cách ly tập trung tổng số người tiếp xúc gần (F1) là 34.535 người. Tất cả những người này đều được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đủ 3 lần trong thời gian cách ly tập trung. Quy định hiện tại, F2 đang thực hiện cách ly tại nhà, nơi cư trú, có giám sát của Trung tâm Y tế phường và được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.
Đến trưa 12/7, TP HCM ghi nhận 14.754 bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố, cao nhất cả nước trong đợt dịch thứ tư. Dự báo từ Ban Chỉ đạo chống dịch, số ca bệnh được phát hiện sẽ còn tăng rất cao sau khi toàn TP làm mạnh xét nghiệm tầm soát cộng đồng tại các quận, huyện, khu vực có nguy cơ cao. Từ thực tế đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cho hay, ngành y tế TP đang triển khai kịch bản ứng phó với tình huống dự báo trước sẽ có 20.000 F0 và 200.000 F1.
Thành phố đưa kiến nghị với mong muốn Chính phủ và Bộ Y tế tháo gỡ, điều chỉnh một số điều kiện để cách ly F1 tại nhà ở các khu chung cư, nhà xây mới bảo đảm điều kiện, có sự tham gia giám sát của 17.000 tổ COVID cộng đồng; ứng dụng CNTT trong kiểm soát cách ly tại nhà; còn những ngõ, hẻm nhỏ, khu nhà trọ tập trung đông dân cư thì phải đưa các F1 đi cách ly tập trung để bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá TP.HCM đang đi đúng hướng trong công tác giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phân luồng điều trị bệnh nhân COVID-19 và cách ly người tiếp xúc gần.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi họp với lãnh đạo TP.HCM về chống Covid-19 hôm nay ngày 12/7. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng cũng lưu ý TP.HCM, từ thực tế ghi nhận số ca nhiễm lớn trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, TP rất cần xem xét lại việc chống lây nhiễm chéo, bảo đảm giãn mật độ tối đa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ghi nhận theo báo cáo của TP.HCM, công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, đúng là thành phố cần tính toán thêm phương án cách ly F1 tại nhà.
Đồng thời, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng lên tiếng hứa sẽ chấn chỉnh việc cung cấp suất ăn cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến; công tác xử lý rác thải bảo đảm không ùn ứ, nhất là rác thải nguy hại.
Nhắc lại mục tiêu giảm F0 tử vong, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thông tin, TP đã trưng dụng bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 để làm nơi tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, có bệnh nền, cần phải can thiệp máy móc. Việc này nhằm tập trung nguồn lực y tế, phương tiện, tăng hiệu quả điều trị.
TP.HCM đã trải qua ngày thứ 4 cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Toàn TP hiện có tổng cộng 1.528 điểm phong tỏa.