Lãi suất thấp vẫn khó đến tay doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngân hàng rầm rộ tuyên bố hạ lãi vay song rất ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được vì điều kiện quá khó, hoặc chưa có nhu cầu vốn.

Ngân hàng Nhà nước vừa cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ tư trong năm, và là lần thứ ba đối với trần tiền gửi. Điều này được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.

Thực tế, gần đây các ngân hàng cũng công bố nhiều gói tín dụng lãi suất thấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không mặn mà vay vốn do chưa muốn mở rộng hoạt động kinh doanh lúc này. Số khác có nhu cầu thì cho biết chưa tiếp cận được vốn vay giá rẻ vì điều kiện xét duyệt quá khó.

Tổng giám đốc một công ty chuyên về đồ gỗ ở TP HCM cho hay, tuy là doanh nghiệp sản xuất nhưng hiện nay đơn vị ông chưa vay được đồng vốn nào với lãi suất thấp mà các ngân hàng đưa ra.

"Với gói vay lãi suất 7% một năm, khi xét duyệt, ngân hàng có quá nhiều điều kiện như yêu cầu chúng tôi chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới...Những điều này rất khó đáp ứng trong bối cảnh hiện nay", ông nói.

Một công ty sản xuất nhựa khác ở quận Bình Tân cũng cho biết, lãi suất được các ngân hàng chào vay ngắn hạn với công ty chỉ tầm 6% một năm. Nhưng khi gõ cửa 2,3 nhà băng, doanh nghiệp ông vẫn không thể vay vì chưa đáp ứng được điều kiện mà các ngân hàng quy định.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác cho biết hiện không có nhu cầu vay vốn do thực hiện chiến lược phòng thủ khi tình hình kinh doanh kém khả quan. "Công ty đang thực hiện kế hoạch ngủ đông, chưa muốn mở rộng sản xuất kinh doanh lúc này. Do vậy, dù lãi suất cao hay thấp, chúng tôi chưa muốn vay vốn ngân hàng" ông Nguyễn Hoàng Tùng, chủ chuỗi nhà hàng Pizza Home chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM thừa nhận, hoạt động vay vốn hiện tồn tại một bất cập lớn. Đó là ngân hàng đang thừa vốn giá rẻ, nhưng doanh nghiệp lại "đói vốn". Nguyên nhân là các nhà băng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, có khi chỉ tầm 5% mỗi năm cho vay ngắn hạn, nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được vì điều kiện quá khó. "Cần phải có giải pháp để tháo nút thắt này thì dòng vốn mới được khơi thông", ông nói.

Công nhân của Công ty GarmentTech Pro (Khu công nghiệp Tân Đô, huyện Đức Hòa, Long An) sản xuất khẩu trang vải. Ảnh: Quỳnh Trần.
Công nhân của Công ty GarmentTech Pro (Khu công nghiệp Tân Đô, huyện Đức Hòa, Long An) sản xuất khẩu trang vải. Ảnh: Quỳnh Trần.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM cho biết, hiện nay bản thân nhà băng ông có thiết kế nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để vay được mức lãi suất thấp, các doanh nghiệp phải là những đối tượng nằm trong diện ưu tiên hoặc phải đáp ứng một số điều kiện chặt chẽ từ phía nhà băng.

"Mức lãi suất công bố tối đa, tối thiểu của ngân hàng chỉ là con số tương đối, có tính linh hoạt. Do đó, với mỗi kiểu khách hàng, con số thực tế lại khác nhau, vị Phó tổng nói. Ông này cho biết thêm, hiện nay tuy tín dụng tăng thấp nhưng không phải hồ sơ vay nào cũng được giải ngân. Nhà băng sẽ ưu tiên những doanh nghiệp hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo có khả năng trả nợ.

Điểm nghẽn này cũng là một phần nguyên nhân khiến tín dụng hiện nay tăng khá thấp. Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm nay đạt 5,12%, thấp hơn nhiều so với mức 8,51% của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP HCM) cũng nhìn nhận, cầu vốn vay hiện nay không tăng tương ứng với huy động. Trước hết, do chính bản thân một số doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn. "Nhiều doanh nghiệp có thể đang cần ưu tiên giải quyết những khó khăn trước mắt về chi phí cố định, tiền lương cho người lao động... hơn là vay mở rộng sản xuất, kinh doanh lúc này", ông nói.

Mặt khác, một số doanh nghiệp có nhu cầu đi vay lại không được duyệt do ngân hàng thẩm định khá kĩ về hiệu quả sử dụng vốn, khả năng trả nợ... Sự dè dặt này của ngân hàng theo ông Bảo nhằm tránh tình trạng nợ xấu tăng, nảy sinh trách nhiệm pháp lý, rủi ro...nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của nhiều công ty gặp khó khăn vì đại dịch.

Thừa nhận thời gian qua các ngân hàng đã nỗ lực để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, nhất là vốn giá rẻ, ông Bảo cho đây là một vấn đề vĩ mô hơn. Bởi cần phải giải bài toán làm thế nào để đảm bảo lợi ích hệ thống: doanh nghiệp không phá sản, sản xuất không ngưng trệ, nuôi sống người lao động là góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách, của Ngân hàng Nhà nước.

TS Bảo liên hệ với nước Mỹ - nơi Ngân hàng Trung ương (Fed) đứng ra cho doanh nghiệp vay tiền khi các ngân hàng thương mại không thể cho doanh nghiệp vay do lo ngại rủi ro. Đây là một điều chưa từng có tiền lệ và là một chính sách bất thường mà liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể làm hay không.

Hơn nữa, theo ông Bảo, thời gian qua lãi suất tại Việt Nam tuy có giảm song vẫn cao hơn các nước trong khu vực (5-9% một năm với ngắn hạn và 9-11% mỗi năm với trung và dài hạn). Vì vậy, từ giờ đến cuối năm, lãi suất cho vay có khả năng tiếp tục giảm xuống.

Theo VnExpress